Dạy và học tích hợp: Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo

Dạy và học tích hợp: Phải đào tạo đội ngũ giáo viên mới

Các trường đại học sư phạm đã mở chuyên ngành đào tạo giáo viên tích hợp liên môn đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dạy và học tích hợp: Phải đào tạo đội ngũ giáo viên mới ảnh 1Để dạy môn học mới cần có đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Bài 4. Dạy và học tích hợp: Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới vào tháng 12/2018, một số trường đại học đã chuyển hướng đào tạo để bắt nhịp yêu cầu mới.

Mở thêm chuyên ngành

Ngay mùa tuyển sinh năm 2019, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo sư phạm Khoa học Tự nhiên ngay với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường tuyển 300 chỉ tiêu (ngành Lịch sử-Địa lý là 43 chỉ tiêu). Năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên, ngành Lịch sử-Địa lý là 190 em.

Tương tự, Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng mở ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử-Địa lý ngay năm 2019 với 50 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này tăng gấp đôi. Năm 2021 tiếp tục tăng lên 120 chỉ tiêu.

Đại học Sư phạm Huế cũng bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử-Địa lý năm 2019 với 60 chỉ tiêu mỗi ngành.

[Bài 1. Giáo viên lo lắng khi phải dạy học tích hợp liên môn]

Trong khi các trường sư phạm khu vực phía Nam đã mở ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp từ khá sớm thì các trường sư phạm khu vực phía Bắc như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Vinh, Đại học Hồng Đức... sự chuyển dịch có xu hướng chậm hơn. Hiện hầu hết các trường vẫn tuyển sinh các chuyên ngành sư phạm đơn môn như trước đây trong khi môn tích hợp sẽ bắt đầu được dạy ở các trường phổ thông từ năm nay.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho hay với ngành đào tạo sư phạm Lịch sử-Địa lý, nhà trường đang xây dựng đề án mở ngành để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với ngành đào tạo sư phạm Khoa học Tự nhiên, đề án và đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Dạy và học tích hợp: Phải đào tạo đội ngũ giáo viên mới ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đại học Sư phạm Thái Nguyên là một trong số ít các trường sư phạm phía Bắc đã mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ rất sớm, ngay năm 2018. “Với ngành sư phạm Lịch sử-Địa lý, chúng tôi đang hoàn thành các quy trình để mở chương trình đào tạo,” phó giáo sư Bùi Đức Nguyên, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho hay.

Chuyển hướng đào tạo

Cùng với việc mở ngành học mới, các trường sư phạm cũng tích cực chuyển hướng ngay trong các ngành học đang được đào tạo tại trường đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có việc dạy các môn tích hợp.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với giáo viên trung học cơ sở, nhà trường đã tích cực chuyển hướng đào tạo.

Cụ thể, bên cạnh việc mở các chuyên ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử-Địa lý, trường bổ sung ngay kiến thức sư phạm liên môn cho với sinh viên đang học ở trường để khi tốt nghiệp, các em sẽ đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới.

[Bài 2. Dạy và học tích hợp: Trao quyền chủ động cho các nhà trường]

Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, phó giáo sư Nguyễn Văn Thụ cho hay với phương châm đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ các trường đại học sư phạm, ngay từ năm 2015, nhà trường đã chú trọng đến việc đào tạo sinh viên theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Các khóa sinh viên đều được bồi dưỡng, tập huấn bổ sung về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi tốt nghiệp. Từ năm 2020, sinh viên được bồi dưỡng các module hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới như  bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.

Tương tự, đại diện Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng cho hay từ năm 2016 đến nay đã ba lần thực hiện rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành để phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Chúng tôi quan điểm, sinh viên đang học tập tại trường là đối tượng sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên đã nghiên cứu, xây dựng các năng lực, phẩm chất cần hình thành cho giáo viên phổ thông để cập ngay vào chương trình đào tạo,” phó giáo sư Bùi Đức Nguyên, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Thái Nguyên nói.

Bên cạnh việc đào tạo sinh viên, các trường sư phạm cũng đã xây dựng chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trong khi chờ đợi văn bản cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên, nhà trường đã xây dựng chương trình bồi dưỡng dạy học môn khoa học tự nhiên cho giáo viên phổ thông các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức để cấp chứng chỉ cho các giáo viên, nhất là các giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng để có thể dạy liên môn.

“Căn cứ trên phạm vi kiến thức đã được học ở các trường sư phạm trước đây, giáo viên trung học cơ sở sẽ được bồi dưỡng bổ sung môn còn thiếu. Đơn cử như giáo viên Lịch sử được bồi dưỡng thêm Địa lý để có thể dạy trọn vẹn một môn học. Việc đào tạo sẽ tùy theo nhu cầu của các giáo viên và các địa phương,” phó giáo sư Lê Anh Phương nói./.

Mời độc giả xem loạt bài:
Bài 1. Giáo viên lo lắng khi phải dạy học tích hợp liên môn
Bài 2: Dạy và học tích hợp: Trao quyền chủ động cho các nhà trường
Bài 3. Dạy và học tích hợp: Môn học mới cần có giáo viên mới
Bài 4. Dạy và học tích hợp: Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục