Đề xuất hoàn thiện chính sách hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người

Việt Nam đang xây dựng quy định mới nhằm hoàn thiện hệ thống hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người, đảm bảo nạn nhân nhận được sự hỗ trợ cần thiết, có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. (Ảnh:Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. (Ảnh:Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Hoàn thiện hệ thống công tác can thiệp, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng là những bằng chứng cho thấy cam kết và nỗ lực thực tế của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với tội phạm mua bán người.

Đấu tranh đẩy lùi tệ nạn mua bán người

Trên thế giới, mua bán người là tội phạm đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 70% số nạn nhân mua bán người được phát hiện. Ở Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2020, trên cả nước phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 người, lừa bán 90 nạn nhân, đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Số vụ mua bán người đã giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019.

Theo kết quả điều tra, phần lớn nạn nhân của mua bán người là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Chính vì thế, nạn nhân bị các đối tượng phạm tội lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội để tiếp cận lừa gạt tình cảm, lừa giới thiệu việc làm... để bán ra nước ngoài.

Phát biểu tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn ra phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội.

“Nạn nhân của tệ nạn mua bán người phải chịu những tổn thất rất to lớn về tâm sinh lý. Họ bị bóc lột, lạm dụng, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, gia đình họ bị đe dọa... Hậu quả không dừng lại ở cá nhân nạn nhân và gia đình mà còn ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,” Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt, từ hoàn thiện khung pháp lý cho đến tăng cường thực thi pháp luật.

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mua bán người. Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống mua bán người đồng thời tích cực tham gia các cơ chế quốc tế về phòng, chống mua bán người như: Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em... Qua đó, hoạt động tuyên truyền phòng ngừa tội phạm đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân.

Đề xuất hoàn thiện chính sách hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người ảnh 1Diễu hành cổ động phòng, chống mua bán người. (Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN)

“Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương, cấp ủy các cấp đã tạo ra những kết quả tốt. Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng là những bằng chứng cho thấy cam kết và nỗ lực thực tế của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến với tội phạm mua bán người,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

[Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước chống tội phạm mua bán người]

Đối với Việt Nam, việc thực hiện thắng lợi Chương trình phòng, chống mua bán người (Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016-2020 là tiền đề quan trọng để tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai Chương trình 130/CP giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, ông Brett Dickson, Quyền Trưởng đại diện Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đề nghị Chính phủ, các tổ chức quốc tế, toàn xã hội tiếp tục chung tay phòng chống mua bán người, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân, đưa các đối tượng mua bán người ra trước pháp luật đồng thời khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để chấm dứt nạn mua bán người.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nạn nhân

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống mua bán người về cơ sở hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán.

Dự thảo bổ sung một số đối tượng hỗ trợ và sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nghị định áp dụng đối với nạn nhân bị mua bán; cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn, cơ sở trợ giúp xã hội khác và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân.

Dự thảo thiết kế lại việc thực hiện hỗ trợ nạn nhân theo hướng tách bạch từng nhóm hỗ trợ (hỗ trợ ban đầu; hỗ trợ phục hồi; hỗ trợ hòa nhập) và quy định rõ đối tượng, chế độ và thẩm quyền, trình tự thực hiện hỗ trợ. Để đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ toàn diện hơn, dự thảo cũng bổ sung quy định về đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân.

Theo dự thảo, nạn nhân được bảo vệ khẩn cấp và cung cấp dịch vụ hỗ trợ như đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật, nạn nhân được hỗ trợ ban đầu gồm: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm tiền ăn, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, dự thảo cũng nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ đi lại… phù hợp với tình hình thực tế. Việc xác lập dịch vụ cung cấp cho nạn nhân và kết nối giữa các cơ quan thực hiện cũng được quy định cụ thể để thực hiện quy trình hỗ trợ nạn nhân tốt hơn.

Việc xây dựng quy định mới nhằm hoàn thiện hệ thống hỗ trợ, đảm bảo nạn nhân bị mua bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết, có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục