Đề xuất hơn 2.000 tỷ đồng thay hàng trăm bộ ghi tuyến đường sắt Bắc-Nam

Nếu được phê duyệt thay thế hàng trăm các bộ ghi tốc độ cao mới, ngành đường sắt sẽ đảm bảo an toàn và tăng tốc độ chạy tàu, góp phần nâng cao năng lực vận tải.

Công nhân đường sắt kiểm tra hệ thống đường ray nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công nhân đường sắt kiểm tra hệ thống đường ray nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề xuất bố trí 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2026-2031 để thay 480 bộ ghi tốc độ cao tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 1.700km, bình diện tuyến trải dọc theo hành lang Bắc-Nam qua 21 tỉnh, thành phố, qua nhiều khu vực có địa hình khác nhau. Trong đó, có nhiều đoạn đi qua khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, bán kính đường cong nhỏ, độ dốc dọc lớn, năng lực thông qua thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn công trình.

Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, đối với công trình kiến trúc tầng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều dự án để cải tạo như: Dự án thay tà vẹt K1, K2, tà vẹt sắt Vinh-Nha Trang (giai đoạn 1); Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh vốn 7.000 tỷ trung hạn 2016-2020 và 3.000 tỷ trung hạn 2021-2026.

Trong đó, ghi trên đường sắt chính tuyến đã thay thế được 199/683 bộ ghi tốc độ cao, số ghi cũ chất lượng thấp cần thay thế là 484 bộ.

“Mục tiêu đầu tư dự án thay thế các bộ ghi cũ kém chất lượng trên đường chính tuyến bằng các bộ ghi tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu đồng thời tăng tốc độ chạy tàu thông qua các ga dọc đường, góp phần nâng cao năng lực vận tải, từ đó khai thác hiệu quả năng lực của kiến trúc tầng trên,” lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Được biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có đề xuất cần hơn 16.200 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng; trong đó 500 tỷ đồng gia cố các hầm yếu, 4.028 tỷ đồng sửa chữa các cầu xung yếu đang bị xuống cấp trầm trọng, 1.544 tỷ đồng sửa chữa và gia cố 876 các vị trí cống, khoảng 9.438 tỷ đồng sửa chữa 720 công trình đường chính, đường ga, ghi, đường ngang và 705 tỷ đồng để sửa chữa 182 công trình kiến trúc nhà ga.

VNR kiến nghị trước mắt, ngành cần ưu tiên đầu tư khoản kinh phí khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp đảm bảo an toàn đối với các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên các tuyến đường sắt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục