Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 13/12, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh trong những giai đoạn khó khăn như thời gian qua (do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, đại dịch COVID-19…), tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một điểm sáng quan trọng.
“Kết quả này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại sẽ góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng,” bà Minh trao đổi.
Trên thực tế, Việt Nam đã có nỗ lực bước đầu nhằm tiếp cận chuyển đổi số trong thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030.
Dù vậy, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban kinh tế tổng hợp CIEM Việt Nam nhận định cần nhiều nỗ lực hoàn thiện chính sách hơn nữa để bảo đảm chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại. Vấn đề càng cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA).
Ông Dương cho biết báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” tập trung vào phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại (Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, và Singapore).
Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và fintech, logistics...
Bên cạnh đó, cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách của Việt Nam khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Việt Nam có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, dù hiệu quả thực tế còn khoảng cách so với yêu cầu đề ra.
“Đó là chưa kể một loạt các nhiệm vụ đang thực hiện liên quan đến chuẩn bị, xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số…,” ông Dương nói.
Hướng tới giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu kiến nghị Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hoàn thiện chính sách cạnh tranh...
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đã trao đổi về các tồn tại, hạn chế đối với khung pháp lý và chính sách đối với chuyển đổi số trong hoạt động thương mại, vai trò của nhà nước, khả năng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, một số biện pháp chính sách cụ thể cần kiến nghị./.