Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

Điều tra nhằm phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc, điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 ảnh 1Phụ nữ dân tộc Thái. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 1/10, tại xã Xuân Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Mục đích của cuộc điều tra nhằm cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ cán bộ, đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng di cư không có kế hoạch, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số... để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê, phản ánh thực trạng của 53 dân tộc thiểu số.

Điều này phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc, điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng điều tra gồm nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân cư người dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra; điều kiện kinh tế-xã hội và nhà ở của hộ dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017) và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

[Điều tra thông tin kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số từ 1/10]

Phạm vi điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố (bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ba địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như Thành phố Hồ Chí Minh, hai tỉnh Long An và Bình Dương), tại 440 huyện và 5.464 xã.

Tại lễ ra quân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định cuộc điều tra sẽ đưa ra những số liệu tin cậy giúp Trung ương và các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có căn cứ đánh giá chính xác về kết quả thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020 và xây dựng chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.

Đối với Tuyên Quang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt cuộc điều tra; chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt phương án điều tra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến mong muốn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang cũng như ở các địa phương khác sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin góp phần vào sự thành công của cuộc điều tra.

Đây là cuộc điều tra lần thứ hai về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Thời gian thu thập thông tin tại các địa bàn bắt đầu từ 1/10 và kết thúc chậm nhất vào 31/10/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục