Động lực giúp doanh nghiệp bán lẻ phục hồi dịp cuối năm

Thực tế cho thấy, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang trong quá trình phục hồi với xu hướng "mua sắm bù," được định nghĩa là người tiêu dùng bù đắp thời gian đã mất bằng việc gia tăng chi tiêu.
Động lực giúp doanh nghiệp bán lẻ phục hồi dịp cuối năm ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị Hapro Khâm Thiên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dịch COVID-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng và sụt giảm nghiêm trọng trong 3 quý đầu năm 2021.

Tuy nhiên, bước sáng quý 4/2021, doanh nghiệp bán lẻ có nhiều động lực hồi phục khi thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm và chi tiêu được đẩy mạnh.

Nhiều kỳ vọng

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng cho biết, dù linh hoạt mở bán qua kênh online, quý 3/2021 vẫn là quý có lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của các doanh nghiệp bán lẻ. Chi phí hoạt động cao khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch; trong đó, đáng kể nhất là đợt dịch đầu tiên vào tháng 4/2020 và đợt 4 từ cuối tháng 4/2021 đến tháng 9/2021.

Thực tế, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đáng kể ngành bán lẻ, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh

Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng cho hay, ngành bán lẻ cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cả quý 3 do chỉ thị giãn cách xã hội.

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hầu hết quý 3/2021 đã khiến cho các dịch vụ bán lẻ không thiết yếu buộc đóng cửa.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả nước đạt 3.437 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3 chỉ đạt 928 nghìn tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 3 doanh nghiệp lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) lần lượt đạt 30.203 tỷ đồng và đạt 672 tỷ đồng; lần lượt giảm 9% và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, ngành bán lẻ đang trong quá trình phục hồi và theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước đó.

Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, bằng cách quan sát xu hướng doanh thu của các công ty quốc tế trong 3 ngành hàng chính gồm thời trang và phụ kiện; mỹ phẩm; dịch vụ nhà hàng và quầy uống, VCSC tin tưởng rằng tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát phần lớn và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế, ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ.

Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng "mua sắm bù," được định nghĩa là người tiêu dùng bù đắp thời gian đã mất bằng việc gia tăng chi tiêu.

VCSC đã chọn các công ty hàng đầu với danh mục thương hiệu toàn cầu và mạng lưới bán lẻ rộng khắp để đưa ra xu hướng bán hàng phổ biến nhất giai đoạn 2018-2021.

[Thương mại điện tử 'đón sóng' thị trường trong dịp cuối năm]

Tất cả các công ty được chọn đều có doanh số giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020 (đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên toàn cầu) và sau đó đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng 2021.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nhóm ngành bán lẻ sẽ được hưởng lợi lớn khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân tăng cao. Sau khi kết thúc giãn cách, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén nhiều tháng qua sẽ bùng nổ.

Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy mua sắm và chi tiêu. Nhờ đó, các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống sẽ hồi phục nhanh trong quý 4

Dấu hiệu phục hồi

Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể thấy rõ những dấu hiệu phục hồi của ngành bán lẻ. Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú nhuận (mã chứng khoán: PNJ), sau thời gian ảm đạm, PNJ đã “lấp lánh” trở lại từ tháng 10.

PNJ báo cáo doanh thu sơ bộ tháng 10/2021 tăng trưởng ở mức từ 12-15% so với tháng 10/2020, củng cố đà phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Trước đó trong quý 3/2021, doanh thu của doanh nghiệp này chỉ đạt 877 tỷ đồng, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 do 80% cửa hàng phải đóng cửa khoảng 10 tuần đến giữa tháng 9/2021 vì trạng thái giãn cách xã hội. Do đó, PNJ ghi nhận khoản lỗ ròng 160 tỷ đồng, trong khi quý 3/2020 công ty lãi ròng 202 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2021, PNJ công bố doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 12.514 tỷ đồng và 576 tỷ đồng; tăng 7,3% về doanh thu, nhưng giảm 10,3% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng cho rằng, giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là mùa cao điểm cho mua sắm bởi đây là mùa cưới và mùa lễ hội. Kết quả kinh doanh của PNJ sẽ tích cực trong quý 4 khi 94% số cửa hàng PNJ trên cả nước đã mở cửa trở lại từ đầu tháng 10. Nhu cầu mua nhẫn cưới, trang sức để tham gia sự kiện kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn này.

Ngoài ra, sau các đợt giãn cách kéo dài và phải chịu bức bối, kìm nén về tâm lý, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay để bù đắp cho giai đoạn trước.

Trên thị trường chứng khoán, dù PNJ có những phiên điều chỉnh mạnh trong những phiên gần đây, nhưng tính chung từ cuối tháng 9 đến hết phiên 19/11, cổ phiếu PNJ vẫn tăng hơn 3,6%.

Động lực giúp doanh nghiệp bán lẻ phục hồi dịp cuối năm ảnh 2Một cửa hàng Thế giới di động tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Một doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) cũng chịu thua lỗ trong quý 3/2021. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 24.333 tỷ và 785 tỷ giảm; lần lượt giảm 5% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động dựa trên kỳ vọng, doanh nghiệp chiếm được thị phần từ các chuỗi bán lẻ dừng hoạt động do thua lỗ trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp tiếp tục kế hoạch gia tăng số cửa hàng, mở rộng thị phần và toàn bộ hệ thống cửa hàng mở cửa trở lại.

Trên thị trường chứng khoán, MWG chốt phiên 19/11 ở mức 139.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 8,7% so với chốt phiên giao dịch cuối tháng Chín.

Giới phân tích cho rằng, sự phát triển vĩ mô của Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ trong tương lai. Mức tăng trưởng cao về thu nhập ròng trên đầu người tiếp tục thúc đẩy chi tiêu trong tương lai của người tiêu dùng Việt Nam.

Xu hướng này sẽ dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm, dịch vụ mới. Dân số trẻ và dân số thành thị ngày càng tăng của Việt Nam cũng tạo đà cho sự thâm nhập cao hơn của hệ thống bán lẻ hiện đại trong dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục