Đồng Nai chi hơn 820 tỷ đồng hỗ trợ lao động thất nghiệp

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi lao động thất nghiệp ở Đồng Nai được hưởng trợ cấp gần 6 tháng lương, mỗi tháng gần 6 triệu đồng/người.
Đồng Nai chi hơn 820 tỷ đồng hỗ trợ lao động thất nghiệp ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, 5 tháng qua, Trung tâm đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 26.000 lao động với số tiền trên 820 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2022, số người và số tiền chi trợ cấp thất nghiệp đều tăng. Riêng từ tháng 3 đến tháng 5, trung bình mỗi tháng trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.800 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, Trung tâm tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm và 5 văn phòng đại diện ở các huyện, thành phố.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, thông tin trong một ngày tại Đồng Nai có hàng nghìn lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp là không chính xác. Trong tháng 5/2023, Trung tâm tiếp nhận gần 7.200 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung bình mỗi ngày có hơn 230 hồ sơ.

[Nghị quyết số 68: Chi hơn 45.600 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp]

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi lao động thất nghiệp ở Đồng Nai được hưởng trợ cấp gần 6 tháng lương, mỗi tháng gần 6 triệu đồng/người. Toàn tỉnh có gần 70 trường hợp được nhận bảo hiểm thất nghiệp với mức tối đa, mỗi tháng nhận hơn 23 triệu đồng. Đây là những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mức lương rất cao (từ 39 triệu/tháng trở lên).

Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều công nhân ở Đồng Nai rơi vào tình trạng mất việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm lao động. Trong hoàn cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp góp phần giúp lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm quay lại thị trường lao động.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 5 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đông công nhân, hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, giày da.

Điều này khiến chỉ số sử dụng lao động ngành Công nghiệp giảm hơn 9% so cùng kỳ - mức giảm lớn nhất trong hơn 10 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục