Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai căng mình chống dịch

Để ứng phó với COVID-19, Đồng Tháp đảm bảo đủ túi thuốc điều trị, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai tổng đài chăm sóc F0 tại nhà, Cà Mau tiếp cận từ sớm, Đồng Nai tăng kiểm soát tại các điểm nguy cơ cao.
Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai căng mình chống dịch ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Để ứng phó với COVID-19, Đồng Tháp đảm bảo đủ túi thuốc điều trị, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai tổng đài chăm sóc F0 tại nhà, Cà Mau tiếp cận từ sớm, Đồng Nai tăng kiểm soát tại các điểm nguy cơ cao.

Đồng Tháp: Không để thiếu túi thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Sở Y tế Đồng Tháp cần theo dõi sát, chuẩn bị kế hoạch đảm bảo việc cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc điều trị COVID-19, tuyệt đối không để thiếu thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại tuyến cơ sở.

Các địa phương thiếu thuốc khẩn trương báo cáo về tỉnh để được cấp. Địa phương nào để thiếu thuốc cục bộ, không cấp túi thuốc kịp thời cho bệnh nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

[Ngày 15/12: Việt Nam ghi nhận 15.527 ca nhiễm mới, 283 ca tử vong]

Ủy ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ Đồng Tháp tiếp tục tham gia Chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir, dự kiến với 1.000 bệnh nhân tham gia điều trị.

Sở Y tế Đồng Tháp đã lưu ý các đơn vị phân loại kịp thời, đẩy mạnh việc cách ly F0 đủ điều kiện tại nhà; cấp túi thuốc A cho người nhiễm gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, sinh tố ... và hướng dẫn việc sử dụng; hướng dẫn người nhiễm tự theo dõi sức khỏe, thông báo khi có bất thường cho nhân viên y tế; cung cấp số điện thoại thường trực cho người nhiễm liên lạc 24/24 giờ.

Các đơn vị tổ chức thăm hỏi, xét nghiệm theo quy định; ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người mắc COVID-19 hằng ngày theo mẫu; rà soát đảm bảo sẵn sàng cơ số trang thiết bị như máy đo SpO2, máy tạo oxy, bình oxy, thuốc, vật tư y tế đã cấp cho đơn vị; đồng thời chủ động cơ số dự phòng.

Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai Tổng đài hướng dẫn điều trị, chăm sóc F0 tại nhà

Từ ngày 15/12, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai số điện thoại chăm sóc F0 tại nhà. Số điện thoại này sẽ hoạt động 24/7.

Người mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà khi cần tư vấn sẽ gọi đến số điện thoại 0254.7300730 để được các bác sỹ, nhân viên y tế trực Tổng đài hướng dẫn điều trị và chăm sóc.

Hằng ngày, những người trực Tổng đài sẽ gọi cho các F0 đang được điều trị tại nhà vào khung giờ từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30 để hỗ trợ người bệnh. Số điện thoại này sẽ được kết nối tới Trung tâm Y tế các địa phương khi có trường hợp F0 đang điều trị tại các địa phương đó gọi đến.

Để triển khai có hiệu quả việc điều trị và chăm sóc F0 tại nhà thông qua gọi điện thoại, Sở Y tế tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai phân công trực và cung cấp danh sách 3 bác sỹ hoặc nhân viên y tế có kinh nghiệm điều trị về COVID-19 thực hiện nhiệm vụ trực điện thoại và sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người mắc COVID-19 cách chăm sóc và điều trị tại nhà.

Cà Mau: Ứng phó với đại dịch COVID-19 theo hướng tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở

Nhằm chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 với quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động bổ sung nhân lực y tế.

Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Nai căng mình chống dịch ảnh 2Nhân viên Trạm y tế lưu động tại khu phong tỏa tại Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngành Y tế Cà Mau phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19 là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và tổ chức thật tốt việc điều phối, phân tầng điều trị COVID-19. Đồng thời, ngành đảm bảo đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết khác; triển khai sử dụng thuốc điều trị COVID-19 ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ, đảm bảo đủ thuốc điều trị cho tất cả người mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh ngay đối với những Trung tâm Y tế huyện, thành phố chậm trễ, không kịp thời cấp, phát thuốc điều trị F0 và các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cho các xã, phường, thị trấn.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR phải trả kết quả đảm bảo kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra chậm trễ, chấn chỉnh lại quy trình xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở điều trị F0.
Vấn đề quan ngại ở Cà Mau hiện nay, đó là số ca bệnh mới trong cộng đồng ngày càng tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các địa phương như: thành phố Cà Mau, các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình...ghi nhận số ca mắc COVID-19 tại cộng đồng ở mức cao trong ngày 14/12.

Trước sự việc số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chủ trương thành lập thêm Bệnh viện dã chiến số 8 đặt tại Trường Chính trị tỉnh để phục vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bệnh viện dã chiến số 8 có gần 100 nhân sự, có thể tiếp nhận, điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh nền hoặc triệu chứng nặng. Mặt khác, tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên và tiến hành tiêm mũi 3 cho những người thuộc diện ưu tiên theo quy định.

Đồng Nai: Tăng cường kiểm soát nguồn lây nhiễm tại các điểm nguy cơ cao 

Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, tính đến sáng 15/12, toàn tỉnh ghi nhận thêm 249 ca sàng lọc cộng đồng qua xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm toàn tỉnh lên tới 93.410 ca.

Đáng chú ý, trong ngày 14/12, có 9/11 huyện, thành phố (trừ Cẩm Mỹ, Xuân Lộc) đều ghi nhận ca mắc mới và 7/11 huyện, thành phố (trừ Câm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành) ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.

Về tình hình điều trị, ngày 14/12 có thêm 215 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 77.830 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 186 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị là 102 ca.

Đồng Nai ghi nhận thêm 15 bệnh nhân tử vong trong ngày 14/12. Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tính đến hết ngày 14/12 là 1.079 ca. Số ca bệnh nặng, nguy kịch có xu hướng tăng khiến các đơn vị hồi sức tích cực tầng 3 đang có nguy cơ quá tải.

Về tình hình tiêm chủng, toàn tỉnh đã triển khai 25 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, với 5.106.838 liều. Tỉỷ lệ bao phủ vaccine cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên mũi 1 đạt 100,36%, mũi 2 đạt 90,37%...

Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai đề nghị, các địa phương định ký đánh giá cấp độ dịch hàng tuần theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm sớm nhất đạt mục tiêu 100% người trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Ngoài ra, các địa phương tăng cường kiểm soát nguồn lây nhiễm tại điểm nguy cơ cao như chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục