Dự báo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình an ninh trật tự

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất hiện thêm nhiều vấn đề mới phát sinh, cần nhận diện và xử lý, do đó, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp.
Dự báo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình an ninh trật tự ảnh 1Toàn cảnh Phiên họp thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp. (Nguồn: Quochoi.vn)

Chiều 6/9, tại Phiên họp thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ dịch COVID-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, các cơ quan đã phối hợp, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách; đồng thời khẩn trương thi hành, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng cơ quan theo tình hình, chức năng, nhiệm vụ cụ thể rất linh hoạt, vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa đổi mới trong lãnh đạo, điều hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần phân tích rõ những kết quả đạt được của năm 2021 có gì tốt hơn, tiến bộ hơn so với năm 2020, hạn chế so với năm trước là gì; từ đó chỉ ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất hiện thêm nhiều vấn đề mới phát sinh, cần nhận diện và xử lý. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với các cơ quan trong khối tư pháp và các cơ quan tư pháp với nhau, đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo là tăng cường phối hợp từ xa, từ sớm, cùng trao đổi để nâng cao hiệu quả công tác.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung trong các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết Thường trực Ủy ban ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về công tác này. Kết quả phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, được nhân dân ghi nhận.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận 7 tồn tại, hạn chế và 6 nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung thêm hai nguyên nhân cần tập trung theo dõi.

Nguyên nhân thứ nhất là hành vi tham nhũng được thực hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện với nhiều biểu hiện phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nguyên nhân thứ hai là việc thực hiện một số chính sách lớn về kinh tế-xã hội còn thiếu chặt chẽ như: chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, dồn điền đổi thửa, chính sách an sinh xã hội hay đền ơn đáp nghĩa...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng báo cáo đã nhắc đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng nhưng chủ yếu đề cập đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Trong khi đó, vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng rất quan trọng, nhất là trong khía cạnh nói không với tham nhũng, thông báo hành vi tham nhũng, tham gia phản biện và xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Do vậy, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung về cách thức và kết quả kêu gọi doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chung tay phòng, chống tham nhũng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, báo cáo chưa có thống kê về hiện tượng không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm đáng kể của người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, cần nghiên cứu tiếp tục nội luật hóa Điều 20 của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng theo hướng đặt ra tội danh làm giàu bất hợp pháp đối với hành vi nói trên.

[Ủy ban Tư pháp: Củng cố niềm tin của dân về chống tham nhũng]

Ngoài ra, báo cáo cần phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được do đâu là chính. Do hệ thống pháp luật hay việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là những tác động của dịch COVID-19 đến việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc triển khai hoàn thành Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp quản lý căn cước công dân chính thức được vận hành từ ngày 1/7/2021, có ý nghĩa đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ thời điểm và cách thức tích hợp các cơ sở dữ liệu khác vào hệ thống này để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng như tích hợp việc kê khai tài sản, thu nhập; tích hợp vào công trình giao dịch, mua bán tài sản.

Về phương hướng công tác năm 2022, ông Sơn đề nghị cân nhắc kỹ tình hình phức tạp của dịch bệnh và dự báo được nguy cơ tham nhũng ngay trong việc triển khai các chính sách phòng, chống dịch cũng như biện pháp phòng ngừa.

Chính phủ đã chỉ ra phương hướng xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ nhưng cần gắn với việc phát huy quyền tiếp cận thông tin của người dân, đảm bảo yêu cầu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Một số ý kiến chỉ rõ dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên Chính phủ cần có kế hoạch, dự báo đánh giá tác động của những nguyên nhân này đối với tình hình an ninh trật tự xã hội trong thời gian tới và đưa ra những phương án phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Trước tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát những sơ hở, bất cập trong các hoạt động này, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn để phòng ngừa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục