Đức chi 50 triệu Euro đưa các công dân bị mắc kẹt khi du lịch về nước

Đức dành 50 triệu euro cho các chuyến bay đưa du khách là công dân Đức hiện đang bị kẹt việc di chuyển bằng đường không bị đình chỉ ở Maroc, Cộng hòa Dominica, Philippines và Maldives... về nước.
Đức chi 50 triệu Euro đưa các công dân bị mắc kẹt khi du lịch về nước ảnh 1Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách đi qua cửa khẩu biên giới Đức-Ba Lan, từ thị trấn Frankfurt tới Slubice nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 17/3 cho biết nước này sẽ dành 50 triệu euro (khoảng 55,66 triệu USD)  cho các chuyến bay đưa du khách là công dân Đức hiện đang bị kẹt việc di chuyển bằng đường không bị đình chỉ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức cho hay: "Chúng tôi không muốn thấy các du khách bị mắc kẹt ở nước ngoài nữa. Vì lý do này, chúng tôi đã quyết định đưa ra khuyến cáo với tất cả các chuyến du lịch nước ngoài. Làm ơn hãy ở nhà."

Các chuyến bay hồi hương sẽ dành cho các du khách Đức hiện đang bị kẹt ở Maroc, Cộng hòa Dominica, Philippines và Maldives.

[Tình hình dịch bệnh và các biện pháp chống dịch trên toàn thế giới]

Chính phủ Đức nhận định lượng hành khách di chuyển bằng đường không trên thế giới ở mức rất thấp trong tương lai gần.

Cùng ngày, sân bay Budapest của Hungary từ ngày 17/3 sẽ chỉ cho phép công dân nước này nhập cảnh sau khi Thủ tướng Viktor Orban áp đặt hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, cơ quan điều hành sân bay nêu rõ: "Sân bay Budapest không đóng cửa và sẽ tiếp tục đón chào du khách và thực hiện các chuyến bay.

Tuy nhiên, chỉ có công dân Hungary có thể nhập cảnh vào nước này từ ngày 17/3.

Bất kỳ ai, người Hungary hay người nước ngoài đều được tự do khởi hành từ sân bay này trong những ngày tới. Những du khách nước ngoài không được nhập cảnh phải đợi tại khu vực được chỉ định dành cho quá cảnh cho đến khi rời khỏi nước này."

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tính đến ngày 16/3, Hungary xác nhận 39 ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1 ca đã phục hồi và 1 ca tử vong.

Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp - điều chưa từng có trong lịch sử nước này  30 năm qua.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày đã ra lệnh đóng cửa các quán cà phê, địa điểm vui chơi giải trí, thể thao, ngừng các lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo và gia hạn lệnh cấm bay tới 20 nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn mạnh tay trấn áp đối với nhưng đối tượng tung tin giả về tình hình dịch bệnh.

Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định danh tính của 93 đối tượng đăng tải trên mạng xã hội "những thông tin không có cơ sở và gây hoang mang" về dịch bệnh. 19 đối tượng trong số này đã bị bắt.

Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 47 ca mắc COVID-19, chưa có ca tử vong.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Y tế Liên bang Thụy Sĩ Daniel Koch cảnh báo các bệnh viện ở nước này có thể bị "vỡ trận" nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh.

Phát biểu trên Đài phát thanh SRF, ông Koch nêu rõ: "Virus SARS-CoV-2 có ở trong chúng ta, hiện giờ, chúng ta phải làm hết sức mình để virus không lây lan thêm nữa. Có quá nhiều người nhiễm virus và nếu tình hình này tiếp tục thì các bệnh viện sẽ bị vỡ trận."

Ông Koch cũng bảo vệ chính sách của Chính phủ Thụy Sĩ tập trung tiến hành xét nghiệm đối với những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus và những người cần được điều trị tại bệnh viện.

Hiện, Thụy Sĩ thực hiện hơn 2.000 cuộc xét nghiệm/ngày.

Trước đó, ngày 16/3, Chính phủ Thụy Sĩ đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 19/4, theo đó cho phép chính phủ liên bang  ban hành những quy tắc có hiệu lực trên tất cả các bang, trong đó có lệnh cấm tổ chức tất cả các sự kiện kể từ nửa đêm 17/3.

Các quán bar, nhà hàng, khu vui chơi, văn hóa, giải trí như bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm thể thao, bể bơi và khu trượt tuyết, kể cả tiệm cắt tóc hoặc các cơ sở làm đẹp, trang điểm cũng bị đóng cửa.

Các cơ sở cung cấp hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và thuốc men không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Đức, Áo và Pháp.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã phê chuẩn việc triển khai 8.000 binh sỹ để hỗ trợ cho các bệnh viện, tham gia công tác hậu cần và bảo đảm an ninh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 2.354 ca mắc bệnh COVID-19 và 21 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục