EU nhất trí về cách tiếp cận chung đối với thỏa thuận hạt nhân Iran

Các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Iran hồi năm 2015.
EU nhất trí về cách tiếp cận chung đối với thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Radio Farda)

Một nguồn tin châu Âu cho biết sau các cuộc thảo luận tại thủ đô Sofia của Bulgaria ngày 16/5, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Iran hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận.

Các nhà lãnh đạo EU nêu rõ sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA vàtrừng phạt Tehran.

Cũng trong các cuộc thảo luận tại Sofia, lãnh đạo 28 nước thành viên EU cũng đề cập tới kế hoạch đối phó với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của châu Âu. Nguồn tin nêu rõ: "EU tiếp tục đấu tranh vì một hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, bất chấp các quyết định của Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, thuế nhập khẩu và Iran."

EU cũng nhất trí thúc đẩy vai trò của Ủy ban châu Âu trong việc đàm phán để Mỹ miễn trừ các nước EU trong kế hoạch tăng thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã tham dự cuộc họp này của 28 nước thành viên EU. Ông cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump "quyết định thiếu suy nghĩ" khi rút khỏi JCPOA. Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015.

Nội dung chính của JCPOA yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, đổi lại cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này. Tuy nhiên, hôm 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, bất chấp sự phản đổi của Iran và sự thuyết phục của các đồng minh EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục