Fed đánh giá thận trọng về các tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không phục hồi hoàn toàn, trừ phi người tiêu dùng cảm thấy tự tin rằng COVID-19 đã bị đánh bại.
Fed đánh giá thận trọng về các tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ ảnh 1Một tuyến phố ở New York, Mỹ ngày 6/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/6, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định bất chấp những tín hiệu tích cực gần đây, hiện vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Powell cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không phục hồi hoàn toàn, trừ phi người tiêu dùng cảm thấy tự tin rằng COVID-19 đã bị đánh bại.

Theo ông Powell, dù tỷ lệ việc làm đã phục hồi trong tháng Năm, song nền kinh tế Mỹ đã mất tới gần 20 triệu việc làm kể từ đầu tháng Hai vừa qua.

[Quyết sách về lãi suất của Fed tiếp sức cho kinh tế Mỹ]

Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 sẽ giảm ở mức kỷ lục.

Chủ tịch Fed thận trọng nhận định rằng dù dữ liệu có khả quan, song sản lượng và việc làm vẫn ở mức rất thấp so với thời kỳ trước đại dịch, trong khi còn nhiều rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thời điểm và sức phục hồi của kinh tế.

Ông đánh giá gánh nặng từ việc đóng cửa các doanh nghiệp nhằm kiểm soát dịch bệnh đã không được chia đều cho tất cả người dân Mỹ. Nếu như không kiểm soát được tình hình dịch bệnh, suy thoái kinh tế sẽ làm tăng sự bất bình đẳng về thu nhập.

Ông Powell cũng tái khẳng định cam kết của Fed trong việc sử dụng mọi công cụ chính sách nhằm đảm bảo sự phục hồi, sau khi khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến nhóm người thu nhập thấp và các cộng đồng thiểu số.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các động thái của Fed chỉ là một phần trong các biện pháp ứng phó của lĩnh vực công, chỉ có sự hỗ trợ trực tiếp được Quốc hội Mỹ thông qua mới có thể đem lại sự khác biệt lớn khi không chỉ giúp đỡ các gia đình và doanh nghiệp vào thời điểm cấp thiết, mà còn hạn chế tác động tiêu cực lâu dài tới nền kinh tế.

Cùng ngày, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã tăng tới 17,7% trong tháng Năm, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đang phục hồi sau đại dịch. Doanh thu bán lẻ trong tháng trước đã lên tới 485,5 tỷ USD gần như cao gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích.

Đây tiếp tục là thông tin tích cực sau khi báo cáo đầu tháng này cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao là 13,3%.

Trước đó, việc các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ phải đóng cửa nhằm kiểm soát virus lây lan đã khiến doanh số bán lẻ giảm 14,7% trong tháng Tư.

Những dữ liệu tích cực về kinh tế và các kết quả khả quan trong việc điều trị COVID-19 đã giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm.

Khoảng 15 phút sau khi mở màn phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones đã tăng 2,9% lên 26.499, 41 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã lần lượt tăng ở mức 2,6% và 2,3% lên 3.146,51 điểm và 9.946 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục