Theo các chuyên gia, quyết định hạ lãi suất mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hướng đi của kinh tế Mỹ mà còn có tác động lan tỏa tới kinh tế toàn cầu.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế tại công ty tư vấn EY-Parthenon, cho rằng vị thế của nền kinh tế Mỹ là yếu tố chính làm tăng tầm quan trọng của Fed.
Theo ông, nền kinh tế Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn đang là một trong những quốc gia trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất.
Quyết định mang tính lịch sử
Trong cuộc họp hai ngày 17-18/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.
Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ COVID-19, lần cuối cùng cơ quan này cắt giảm ở mức tương tự là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75-5,00% trên cơ sở những diễn biến lạm phát gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá cơ quan này đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%.
Fed cũng cho biết sẽ sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ trong trường hợp rủi ro xuất hiện có thể cản trở nỗ lực đạt được các mục tiêu về lạm phát và việc làm.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026. Fed cũng nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào cuối năm 2024 lên mức 4,4%, từ mức 4% đưa ra vào tháng 6/2024.
Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ.
Quyết định hạ lãi suất của Fed được đưa ra sau nhiều tháng thị trường lao động Mỹ cho thấy những dấu hiệu không khả quan.
Trong tháng 8/2024, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức 4,2% với 7,1 triệu người không có việc làm. Con số này gần như không thay đổi so với các tháng trước.
Tuy nhiên, tình hình này đã xấu đi so với một năm trước, khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,8% và số người thất nghiệp là 6,3 triệu.
Tác động lan tỏa
Quyết định hạ lãi suất của Fed có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm tín dụng cũng như giá trị của tiền mặt, trái phiếu và cổ phiếu.
Bên cạnh đó, việc Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt kinh tế được dự báo sẽ có tác động lan tỏa trên toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tính đến tháng 8/2024, lạm phát toàn cầu ở mức 5,9%, trong khi lạm phát trung bình ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ chỉ vào khoảng 2,6%.
Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia phát triển đã đồng loạt tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia có thể làm tăng thêm tác động tiêu cực.
Trước những lo ngại này, trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hai lần hạ lãi suất. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 3,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên 3,3% vào năm 2025.
Bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Psaros tại Đại học Georgetown, cho rằng các quyết định của Fed không chỉ có tác động trong phạm vi nước Mỹ mà còn có ảnh hưởng tới nhiều khu vực khác trên thế giới.
Ngoài ra, quyết định của Fed cũng ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối do những tác động đối với đồng bạc xanh, vốn là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Bà Aggarwal nhận xét các thị trường mới nổi cũng chịu tác động do đi vay bằng đồng USD. Khi lãi suất ở Mỹ thay đổi, chi phí đi vay của các quốc gia này cũng sẽ thay đổi./.
Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ
Lần đầu tiên kể từ năm 2020, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đang chậm lại ổn định.