Giá dầu thế giới tiếp tục giảm do thị trường lo ngại về nhu cầu

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7 tiếp tục giảm 1,37 USD (1,97%) xuống 68,09 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York trong bối cảnh thị trường lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm do thị trường lo ngại về nhu cầu ảnh 1Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giao kỳ hạn tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 31/5 trong bối cảnh thị trường lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7 giảm 1,37 USD (1,97%) xuống 68,09 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 88 xu Mỹ (1,20%) xuống 72,66 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE London.

Dữ liệu kinh tế vĩ mô và thị trường lao động yếu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư mặc dù nhu cầu dầu mỏ đã đi lên vào mùa Hè.

Chỉ Số Quản Lý Sức Mua (PMI) của Chicago, thước đo hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất tại khu vực Chicago, đã giảm xuống 40,4 trong tháng 5/2023, thấp hơn mức 48,6 trong tháng 4/2023, theo dữ liệu do Viện quản lý cung ứng Chicago vừa công bố.

Theo các nhà phân tích của công ty nghiên cứu tài chính Sevens Report Research (Mỹ), khả năng xảy ra thất bại về trần nợ của nước này và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 6/2023 sẽ đè nặng lên giá dầu.

Tuy nhiên, các nhà chiến lược của ngân hàng UBS cho biết các nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường dầu mỏ khi lượng dự trữ tăng trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới.

Nhu cầu dầu trung bình hàng ngày của thế giới có thể đạt gần 102 triệu thùng vào tháng 6/2023, trong khi sản lượng dầu mỏ hàng ngày toàn cầu sẽ giảm xuống 100 triệu thùng trong quý 2 từ khoảng 101 triệu thùng trong quý 1.

[Những quan ngại về kinh tế sẽ ghìm giá dầu dưới 90 USD mỗi thùng]

Trước đó, ông Matthew Sherwood, nhà phân tích hàng hóa hàng đầu tại bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist, cho biết những lo ngại xung quanh chính sách tiền tệ thắt chặt, sự sụp đổ của ngân hàng ở Mỹ, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ và hoạt động kinh tế không đồng đều của Trung Quốc đã làm hạn chế đà tăng của thị trường dù cho rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, khả năng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 4/6 tới tại Vienna, Áo có thể tạo ra một mức giá sàn.

Ông Suvro Sarkar, trưởng nhóm ngành năng lượng tại Ngân hàng DBS, cho biết với những bất ổn mang tính vĩ mô và giá dầu giảm trong tháng 5, OPEC có thể sẽ muốn điều chỉnh giảm mục tiêu sản lượng hơn nữa, nhưng có thể phải mạo hiểm nhường thị phần cho Nga.

Những người tham gia cuộc khảo sát trên đã chia rẽ về việc liệu OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sản lượng nhiều hơn vào cuối tuần này hay không hay giữ nguyên các mục tiêu sản xuất để đánh giá tác động của các đợt cắt giảm trước đó.

Ông Sherwood cho biết ngay cả khi OPEC+ không cắt giảm sản lượng trong tháng 6/2023, thì mối đe dọa cắt giảm sản lượng sẽ vẫn còn miễn là giá dầu vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng.

Trong tháng 4, OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường khi cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tăng trong thời gian ngắn./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục