Giải báo chí về phòng, chống tham nhũng khẳng định uy tín và vị thế

Báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Giải báo chí về phòng, chống tham nhũng khẳng định uy tín và vị thế ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm về Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 với chủ đề “Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm."

Sau ba lần tổ chức thành công, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong hệ thống giải báo chí quốc gia, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, nêu rõ trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Những kết quả bước đầu quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng hoan nghênh, đánh giá cao Ban biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm.

"Đây có thể xem là một hoạt động thiết thực nhằm kịp thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa mục đích, ý nghĩa, cung cấp thông tin đầy đủ nhất về công tác tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 đến với đông đảo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên và người dân cả nước," ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

[Giải báo chí phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều điểm mới]

Điểm lại những dấu ấn quan trọng mà Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau ba lần tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định đến nay công tác tổ chức giải luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, động viên rất lớn từ các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Tại các buổi lễ tổng kết và trao giải thường xuyên có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến dự, trao giải và phát biểu chỉ đạo.

Bên cạnh đó, giải đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của phóng viên các cơ quan báo chí. Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự giải đều tăng lên, với chất lượng tác phẩm ngày càng nâng cao. Tại mùa giải lần thứ ba đã có giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao tặng.

Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác tổ chức giải giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam rất chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao giải thưởng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.

Giải báo chí về phòng, chống tham nhũng khẳng định uy tín và vị thế ảnh 2Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Ban Tổ chức giải, chủ trì tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Để tiếp tục tổ chức thành công giải lần thứ tư cả về quy mô, chất lượng các tác phẩm gửi tham dự giải, các khách mời tại buổi tọa đàm đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ của cơ quan báo chí, các nhà báo khi tham gia Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, qua đó thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên trong cả nước tích cực tham gia hưởng ứng, gửi tác phẩm báo chí có chất lượng tham dự giải.

Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Văn Tiến cho biết qua ba mùa, giải đã ghi nhận sự tham gia của nhiều tác phẩm với những đề tài phanh phui sự tiêu cực xuất phát từ hoạt động điều tra của phóng viên mà không phải dựa theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Theo ông Tiến, để thực hiện các đề tài điều tra độc lập này, các nhà báo, phóng viên phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Các đề tài điều tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi sự quyết tâm từ phóng viên, nhóm phóng viên, ý chí của ban biên tập, của cơ quan chủ quản ban biên tập mỗi cơ quan báo chí. Nếu không có những sự quyết tâm này có thể các đề tài sẽ bị dừng lại.

Nói về quá trình tác nghiệp các tác phẩm thuộc thể loại khó nhất của báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) - người từng đoạt giải A Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, cho rằng các loạt bài điều tra đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải quyết liệt, có ý tưởng, kiên định và giữ mình đến tận cùng.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thước đo phẩm cách của một người làm báo là người phóng viên, tờ báo đó đã làm được điều gì cho xã hội. Điều quan trọng là tính hữu ích của bài báo, loạt bài đó trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục