Giám sát doanh nghiệp Nhà nước: Vẫn nặng tính hành chính?

Việt Nam hiện có nhiều khái niệm về giám sát, đánh giá, thanh tra kiểm tra nhưng thực tế thì không phân biệt rạch ròi các khái niệm này. Vì thế, các quy định hướng dẫn chi tiết cũng chưa rõ ràng.
Giám sát doanh nghiệp Nhà nước: Vẫn nặng tính hành chính? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc giám sát doanh nghiệp Nhà nước vẫn mang nặng tính "hành chính," phân mảnh và thiếu thống nhất. Chưa kể, việc làm sao đảm bảo cơ quan đánh giá doanh nghiệp là khách quan, độc lập vẫn đang là một câu hỏi.

Những vấn đề này được nêu lên tại tọa đàm về “Vai trò của cải cách doanh nghiệp Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.” Tọa đàm do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm với Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba.

[Không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, Việt Nam sẽ tụt hậu]

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, giai đoạn 2011-2016, tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không giảm. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả đã có nhiều nỗ lực nhưng phục hồi chậm.

Vấn đề ông Hiếu nêu lên là, cơ chế giám sát doanh nghiệp Nhà nước hiện chưa hiệu quả. Nguyên nhân đầu tiên là bởi Việt Nam hiện có nhiều khái niệm về giám sát, đánh giá, thanh tra kiểm tra nhưng thực tế thì không phân biệt rạch ròi các khái niệm này.

Theo ông, có sự chồng lấn giữa giám sát của chủ sở hữu với hoạt đông thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý Nhà nước.

Chính vì không rạch ròi nên các quy định hướng dẫn chi tiết về cách thức, công cụ giám sát là chưa rõ ràng. Điều này dẫn tới lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng tới hiệu quả giám sát.

Ông Hiếu đưa ra ví dụ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra thanh tra với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được việc này, Bộ Công Thương phải phối hợp với ít nhất 4 đơn vị khác là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, chuyên gia Phan Đức Hiếu tỏ ra phân vân bởi "như thế nào là phối hợp, hiệu lực pháp lý của việc phối hợp ra sao?"

Theo ông, khi muốn theo dõi một đơn vị thì thông tin cần tập trung, thống nhất và hệ thống. Tuy nhiên, việc giám sát trên rõ ràng là phân mảnh, nhiều đầu mối, mất đi sự thống nhất.

Công cụ đánh giá theo vị đại diện CIEM hiện vẫn theo cách đầu năm phê duyệt chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cuối kỳ đánh xem kết quả đạt được so với kế hoạch ra sao. Đó là cách làm theo ông Hiếu là đơn giản "tới mức không có nhiều tác động, thiếu đi góc nhìn của một nhà đầu tư."

"Nhà nước khi đầu tư tiền phải có tư duy của một nhà đầu tư. Nhà đầu tư khi bỏ tiền ra, họ phải đánh giá liên tục kịp thời, thực chất để điều chỉnh. Ta thì đánh giá khá hành chính," ông Hiếu nêu lên vấn đề.

Ông dẫn kinh nghiệm của Hàn quốc khi đánh giá doanh nghiệp thường thuê thêm cả công ty tư vấn độc lập. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, "Việt Nam gần như thiếu cơ chế đánh giá khách quan hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước."

Từ đó, ông Hiếu kiến nghị cần có cơ sở thông tin tập trung toàn bộ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, thống nhất, không phân mảnh. Cơ sở thông tin này phải cập nhật, có thể không được hàng giờ nhưng ít nhất phải hàng ngày, hàng tuần.

"Quá 6 tháng là chậm, 1-2 năm thì gần như không tác dụng gì," ông khẳng định.

Để làm được điều này, điều quan trọng được Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu lên là phải ứng dụng công nghệ thông tin. Ông cũng lưu ý, việc giám sát có thể chọn lọc để tăng hiệu quả thay vì cùng lúc giám sát tất cả doanh nghiệp Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục