Không ai phủ nhận ý nghĩa của Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội, tuy nhiên đây là đề án di dân có quy mô lớn, mang tính xã hội cao, đặc thù và lần đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định.
Nhưng với sự quyết tâm cao, quận Hoàn Kiếm đang tháo gỡ những bất cập, tạo đồng thuận trong dân để đề án đạt hiệu quả tốt.
Tạo cuộc sống mới tương đồng với nơi ở cũ
Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là khi họ nhiều đời gắn bó với phố cổ, quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên).
Khu đô thị này có các điều kiện tương đồng với cách sinh hoạt và đời sống người dân trong khu phố cổ. Tại đây, quận Hoàn Kiếm sẽ xây dựng 16 tòa nhà cao tầng cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ cho biết toàn bộ tầng 1 tại các tòa nhà được bố trí cho các hộ dân kinh doanh, đảm bảo 30% số hộ chuyển sang có chỗ kinh doanh tiếp tục duy trì cuộc sống. Dự án quy hoạch thêm một số tuyến phố chuyên doanh, một trung tâm thương mại 15 tầng.
Như vậy, khu nhà ở giãn dân phố cổ sẽ có đầy đủ dịch vụ đáp ứng và nâng cao đời sống cho người dân phố cổ mà trước đây người ta chưa được hưởng thụ. Quan trọng là khu nhà ở tạo ra môi trường sống mới phù hợp với lối sống trong khu phố cổ hiện nay.
Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch triển khai chung toàn bộ dự án và xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện chuẩn bị đầu tư, đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án thiết kế cơ sở và một số nhiệm vụ khác để phục vụ việc phê duyệt dự án. Dự kiến, quý IV năm 2014, dự án sẽ triển khai xây dựng hai tòa nhà đầu tiên, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn thành vào năm 2016.
Theo Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, đối với các hộ dân di chuyển bắt buộc sẽ áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất. Giá bán nhà tại khu giãn dân theo giá nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội.
Đối với các hộ dân tự nguyện giãn dân sẽ áp dụng giá bán nhà theo giá đảm bảo kinh doanh (giá thành và lợi nhuận định mức 10%). Nhưng nếu tính thực tế, giá nhà tái định cư này sẽ thấp hơn so với giá thị trường.
Tăng cường vận động người dân
Cùng với việc chuẩn bị dự án đầu đến, dự án đầu đi đang tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu di chuyển, tâm tư, nguyện vọng của người dân phố cổ. Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết: “Quận đang triển khai xuống các phường trên địa bàn phố cổ phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác giãn dân phố cổ, công khai dân chủ các chủ trương, chính sách đối với các đối tượng giãn dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng chúng tôi phải thực hiện kiên trì, đồng bộ, yêu cầu các cấp chính quyền vào cuộc một cách quyết liệt.”
Ban quản lý phố cổ Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án "đầu đi" đang tích cực phối hợp với các phường thực hiện tuyên truyền vận động các gia đình. Bên cạnh việc tuyên truyền, giới thiệu cơ chế chính sách, quyền lợi người dân được hưởng, trách nhiệm của họ đối với việc bảo tồn phố cổ thì phương thức tuyên truyền hiệu quả nhất là Ban quản lý vận động các hộ đã từng giãn dân trước đó tuyên truyền cho những người đang sống ở phố cổ.
Những tâm sự, chia sẻ của người dân đã từng di chuyển trước đó được Ban quản lý phố cổ in vào các tờ rơi kèm theo hình ảnh cuộc sống mới để tuyên truyền đến các hộ dân hiện sống ở phố cổ. Thậm chí, căn hộ tái định cư của các gia đình đã di chuyển trở thành điểm tham quan thực tế cho bà con phố cổ, để bà con thấy lợi ích của cuộc sống nơi ở mới.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm cũng xây dựng cơ chế quản lý quỹ nhà đất sau khi giải phóng mặt bằng và cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại. Đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước (di tích, công sở, trường học, đơn vị quản lý quỹ nhà của Nhà nước), diện tích đất sau khi giải phóng mặt bằng sẽ được giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng theo quy hoạch.
Công trình thuộc sở hữu tư nhân, sau khi di chuyển phần diện tích của hộ dân được phép chuyển nhượng cho những người sống trong cùng biển số nhà, hộ liền kề và người có hộ khẩu trong khu phố cổ nhằm trành tăng dân số trở lại. Đối với nhà xuống cấp đang thuê của Nhà nước, nếu không tự thỏa thuận được, Nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng và sử dụng theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ.
Các hộ dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải cam kết chuyển hộ khẩu. Đối với các hộ tự nguyện và tách hộ để giãn dân, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm kiểm soát chặt chẽ đầu đi và đến, trường hợp nhận nhà không đến ở, bán hoặc cho thuê đồng thời quay lại nơi cũ sẽ bị thu hồi căn hộ.
Mặc dù, quận oàn Kiếm đã đi gần đến đích đầu tiên nhưng công cuộc di dời dân phố cổ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao, tạo niềm tin cho người dân phố cổ nói riêng và Hà Nội nói chung./.