Giao tranh ác liệt tại Tripoli, Liên hợp quốc sơ tán người tị nạn

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết hơn 2.700 người tị nạn và di cư vẫn đang bị giam giữ và mắc kẹt tại các khu vực giao tranh tiếp diễn ở Tripoli.
Ôtô bị phá hủy sau một vụ tấn công ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ôtô bị phá hủy sau một vụ tấn công ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/4, Liên hợp quốc cho biết đã sơ tán thêm 150 người tị nạn từ một trung tâm giam giữ ở thủ đô Tripoli của Libya trong bối cảnh giao tranh tại thành phố này diễn ra ác liệt.

Trong một tuyên bố, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã sơ tán những người tị nạn nói trên, bao gồm trẻ em và phụ nữ, từ trung tâm giam giữ Abu Selim ở phía Nam thủ đô Tripoli tới cơ sở tập trung của cơ quan này ở trung tâm thành phố.

Theo UNHCR, hiện có hơn 400 người tị nạn đang lưu trú tại cơ sở tập trung này, song còn hơn 2.700 người tị nạn và di cư vẫn đang bị giam giữ và mắc kẹt tại các khu vực giao tranh tiếp diễn.

Tuần trước, UNHCR đã sơ tán hơn 150 người di cư và tị nạn từ trung tâm giam giữ Ain Zara.

Theo UNHCR, tình hình căng thẳng tại Libya cho thấy rõ thực tế quốc gia Bắc Phi này là một nơi nguy hiểm đối với người tị nạn và di cư và do đó không nên đưa những người di cư được cứu trên biển trở lại Libya.

UNHCR đồng thời kêu gọi chấm dứt việc giam giữ người tị nạn và di cư.

[Libya: Trung tâm thủ đô Tripoli bị tấn công bằng rocket]

Trong khi đó, Trợ lý Trưởng Phái đoàn UNHCR tại Libya Lucie Gagne cho biết công tác sơ tán người tị nạn đang gặp khó khăn do xung đột và tình hình an ninh ngày càng xấu.

Quan chức này nhấn mạnh cần sớm có các giải pháp để giải cứu những người đang bị mắc kẹt trong vùng nguy hiểm.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.

Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các cuộc giao tranh từ đầu tháng này đã làm 174 người thiệt mạng và 758 người bị thương. Trong khi đó, Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết hơn 18.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do các cuộc giao tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục