Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp

Hà Nam khẩn trương điều tra dịch tễ liên quan ổ dịch mới, Đà Nẵng thay đổi cấp độ dịch tại Sơn Trà, Bắc Giang xử phạt doanh nghiệp vi phạm phòng chống dịch COVID-19.
Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh 1(Ảnh minh họa: Đại Nghĩa/TTXVN)

Hà Nam khẩn trương điều tra dịch tễ liên quan ổ dịch mới, Đà Nẵng thay đổi cấp độ dịch tại Sơn Trà, Bắc Giang xử phạt doanh nghiệp vi phạm phòng chống dịch COVID-19.

Hà Nam khẩn trương điều tra dịch tễ liên quan ổ dịch COVID-19 ở một doanh nghiệp

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, sáng 14/11, toàn tỉnh ghi nhận 21 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 18 người được phát hiện thông qua sàng lọc y tế tại Công ty may Happytex (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) và 3 trường hợp tại thôn Vĩnh Tứ, xã An Lão, huyện Bình Lục.

Liên quan đến các ca bệnh mới ghi nhận, ngành y tế Hà Nam đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan khẩn trương điều tra dịch tễ các trường hợp mắc COVID-19; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân của Công ty may Happytex, đồng thời mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan tới F0 để cách ly y tế kịp thời. 

Trung tâm y tế huyện Bình Lục đã phối hợp với các đơn vị quan tập trung điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với F0 tại thôn Vĩnh Tứ, xã An Lão, tổ chức khoanh vùng, triển khai xét nghiệm nhanh sàng lọc; thực hiện phong tỏa tạm thời 2 khu vực dân cư trong thôn Vĩnh Tứ với 39 hộ dân. Xã An Lão đã lập 4 chốt kiểm soát dịch ở hai khu vực này để đảm bảo an ninh, an toàn dịch bệnh trong thời gian các khu dân cư tạm thời phong tỏa.

Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nam tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch: hướng dẫn cách ly, lấy mẫu theo quy định.

Tỉnh duy trì triển khai các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với các công dân (là các trường hợp được xác định là F1); chuyên gia và thân nhân chuyên gia nhập cảnh, công dân Việt Nam về nước đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Dã chiến Số 1 tiếp tục thu dung, cách ly, quản lý điều trị các ca dương tính với SARS- CoV-2.

[Phú Thọ điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19]

Tính từ ngày 19/9 đến sáng 14/11, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 1.136 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 974 trường hợp đã điều trị khỏi, ra viện. Toàn tỉnh hiện có gần 1.100 trường hợp F1 đang thực hiện cách ly, trong đó 290 người cách ly tập trung, gần 800 trường hợp cách ly tại nhà.

Chiến dịch tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 vẫn được ngành y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sức khỏe người dân. Đến sáng 14/11, tỉnh Hà Nam có hơn 1 triệu lượt người đã tiêm vaccien phòng COVID-19, trong đó hơn 475.500 người tiêm mũi 2.

Hai phường ở quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3

Sáng 14/11, hai phường Nại Hiên Đông và An Hải Bắc (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) chính thức chuyển cấp độ 2 lên cấp độ 3.

Để kiểm soát dịch, hai phường này đã triển khai đồng bộ các biện pháp như tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, lập các chốt cứng, mềm để kiểm soát người ra vào, yêu cầu các hộ kinh doanh ăn uống thực hiện mua bán mang về, hạn chế tập trung đông người ở nơi công cộng...

Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh 2Các cửa hàng kinh doanh ăn uống của hai phường Nại Hiên Đông và An Hải Bắc, quận Sơn Trà tổ chức bán hàng mang về. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo nghi nhận của phóng viên TTXVN, trong buổi đầu tiên chuyển cấp độ 2 lên cấp độ 3 tại hai phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông thuộc quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), đa số người dân đều chấp hành nghiêm các quy định chuyển cấp độ của thành phố và Bộ Y tế.

Các cửa hàng ăn uống đều thực hiện bán hàng mang về, 2 phường cũng đang triển khai lập các chốt kiểm soát cứng, mềm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) Cao Đình Hải cho hay, việc triển khai cấp độ được phường tổ chức đồng bộ với các biện pháp siết chặt quản lý kiểm soát dịch, hạn chế tập trung đông người.

Trong buổi đầu tiên triển khai, phường cũng gặp một số khó khăn trong việc kiểm soát như việc một số người dân còn chưa hiểu quy định trong việc chuyển cấp độ, một số người đã tiêm mũi 2 vaccine nhưng vẫn chưa cập nhật trên hệ thống điện tử…

Theo ông Cao Đình Hải, phường đã triển khai các tổ COVID cộng đồng vận động người dân thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm phòng chống dịch.

Cũng thực hiện chuyển cấp độ như phường Nại Hiên Đông, phường An Hải Bắc đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường An Hải Bắc cho biết, từ sáng sớm 14/11, phường đã triển khai lực lượng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp chuyển cấp độ của thành phố; tổ chức lập các chốt để kiểm soát người ra vào địa bàn.

Chính quyền phường đã phối hợp với lực lượng chức năng để xét nghiệm đại diện hộ gia đình, nhằm rà soát, đánh giá tình hình dịch.

Trước đó, ngày 12/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn chuyển cấp độ 2 lên cấp độ 3 đối với 2 phường An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bắt đầu từ 6 giờ ngày 14/11.

Trong đó quy định, người dân từ vùng cấp độ 3 phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; Khi đi đến vùng cấp độ 1,2 (vùng xanh, vùng vàng), phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; không được đi đến vùng cấp độ 4 (vùng đỏ), khu vực phong tỏa y tế (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định  đối với vùng đỏ và phải được chính quyền địa phương đó chấp thuận).

Khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao,… trong nhà và ngoài trời thì người dân phải đảm bảo điều kiện đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, trong đó tiệc đám hiếu, đám hỷ, liên hoan,… tổ chức tại nhà riêng tập trung không quá 20 người tại cùng 1 thời điểm.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được phép bán hàng mang về, không được phục vụ khách tại chỗ. Chợ truyền thống, chợ đầu mối chỉ được bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với hoạt động khai thác thủy sản đối với người dân và tàu thuyền người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu phục vụ không quá 3 người cùng một thời điểm; Cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác (trừ nhà hàng, quán ăn) phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm; đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người; Cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp casino, bi da tiếp tục dừng hoạt động...

Bắc Giang: Xử phạt một doanh nghiệp 30 triệu đồng vì vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 

Ngày 14/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Thế (Bắc Giang) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực y tế đối với một doanh nghiệp do không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19. 

Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang đối phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh 3Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Trước đó, ngày 10/11, Công an xã Tam Tiến, huyện Yên Thế tiến hành kiểm tra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Greatriver Wood có trụ sở tại xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Người đại diện là anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1985, thường trú tại Nà Táng, Canh Nậu, Yên Thế (Bắc Giang). 

Tại đây, tổ tuần tra phát hiện tại Công ty có 24 trường hợp công nhân đang lao động sản xuất trong bối cảnh từ ngày 6/11, trên địa bàn huyện Yên Thế áp dụng Quyết định số 2240/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang về thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế.

Hành vi này đã vi phạm "Không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người" được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế cũng yêu cầu anh Nguyễn Văn Hải là đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Greatriver Wood phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này. Nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục