Hà Nội quyết liệt phòng chống COVID-19, không để 'dịch chồng dịch'

Song song với công tác phòng, chống dịch COVD-19, Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn, không để xảy ra dịch chồng dịch.
Hà Nội quyết liệt phòng chống COVID-19, không để 'dịch chồng dịch' ảnh 1Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực ngõ 230/26 Mễ Trì Thượng, nơi có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đang sinh sống. (Ảnh: Lê Phú/TTXVN)

Chiều 29/7, Văn phòng Thành ủy Hà Nội cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cấp, ban ngành, quận huyện của thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần đặc biệt cảnh giác, có biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố; triển khai quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Địa phương phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng cần tập trung cao độ, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các đơn vị lên kế hoạch và cập nhật diễn biến tình hình của dịch bệnh để bổ sung vào kịch bản phòng, chống dịch cho phù hợp; thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, thành phố, nhất là Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 3/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

[Photo] Hà Nội: Phong tỏa nơi ở của ca nghi nhiễm COVID-19 tại Mễ Trì

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, không nên quá lo lắng, hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan; cần nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh, chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe khi trở về từ vùng có dịch, tự giác thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Các tổ chức, đoàn thể nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch.

Bí thư quận, huyện, thị ủy, người đứng đầu các cấp ủy Đảng trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, phát huy mạnh mẽ phương châm "4 tại chỗ"; bình tĩnh, chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, nhất là tại các khu vực công cộng như bến tàu, xe, chung cư, trường học, bệnh viện...

Song song với công tác phòng, chống dịch COVD-19, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn, không để xảy ra dịch chồng dịch; chỉ đạo tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chỉ đạo rà soát, sàng lọc, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xét nghiệm sớm, nhất là những trường hợp đi thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020; phân loại, thực hiện cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp từ vùng dịch theo quy định.

Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, tổ dân phố, công an khu vực trong việc giám sát, phát hiện những người từ vùng có dịch, những người có liên quan tới ca mắc COVID-19 cư trú, lưu trú trên địa bàn nhưng chưa khai báo; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định cách ly y tế; các cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai báo thông tin khách du lịch lưu trú để quản lý, giám sát sức khỏe; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất hành trình của du khách phục vụ giám sát dịch tễ.

Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo phối hợp với lực lượng chức năng tổng rà soát, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; quản lý chặt chẽ công tác nhập cảnh trên địa bàn. Địa phương nào không phát hiện, để người nước ngoài nhập cảnh trái phép trú ngụ trên địa bàn thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, vật tư cho công tác phòng, chống dịch; tiếp tục rà soát, bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng; thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; chủ động rà soát, báo cáo, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, cơ chế hỗ trợ công tác bảo đảm an sinh xã hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát kéo dài, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét theo quy định.

Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp các quận huyện, thị xã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định thông tin về phòng, chống dịch bệnh; lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; giám sát chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh đang cách ly tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Các đơn vị chuẩn bị tổ chức Đại hội triển khai ngay việc rà soát y tế đối với các đại biểu và thành phần tham gia Đại hội; tổ chức các biện pháp và các điều kiện phòng dịch, sát khuẩn, khử trùng khu vực diễn ra Đại hội, thực hiện giãn cách... để đảm bảo an toàn phòng dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục