Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, F0 đang loay hoay tự điều trị tại nhà

Hơn 10.000 trong hơn 20.000 người mắc COVID-19 tại Hà Nội đang được điều trị tại nhà đã san sẻ gánh nặng cho các khu điều trị của các bệnh viện nhưng rất nhiều F0 đang chưa biết tự xoay xở thế nào.
Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, F0 đang loay hoay tự điều trị tại nhà ảnh 1Nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà tại Xóm 2, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Biểu đồ tình hình dịch COVID-19 tại cộng đồng của thành phố Hà Nội ngày 27/12 lập đỉnh mới cao nhất từ trước tới nay với 1.948 ca, trong đó có 658 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Hơn 10.000 trong tổng số hơn 20.000 người mắc COVID-19 đang được điều trị tại nhà đã san sẻ cho các khu điều trị của các bệnh viện tại Hà Nội.

Hiện nhiều phường đã thành lập thêm các trạm y tế lưu động để thu dung điều trị trường hợp F0 thể nhẹ và lên phương án thành lập Tổ công tác hỗ trợ, theo dõi F0 thể nhẹ đang điều trị, cách ly tại nhà ở khu dân cư, tổ dân phố, tòa chung cư trên địa bàn.

Thế nhưng làm thế nào để F0 điều trị tại nhà hiệu quả, không chuyển nặng là vấn đề đang được đặt ra.

Cần hướng dẫn điều trị tại nhà 

Qua 4 đợt dịch COVID-19, tòa CT3C Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, luôn giữ vững bức tường thành là “vùng xanh” phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, khi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp, điểm dân cư này đã xuất hiện nhiều ca F0 chỉ trong vài ngày. Theo thông báo của Ban Quản trị tòa nhà, đến tối 27/12, tổ dân cư số 21 phường Hoàng Liệt đã ghi nhận 22 ca F0, trong đó riêng tòa CT3C có 16 trường hợp.

Theo phản ánh của các trường hợp F0 tại đây, từ ngày được xác định là F0 (ngày 21/12) đến nay chưa nhận được thuốc điều trị và hằng ngày tự điều trị tại nhà.

“Chúng tôi đã đề nghị phường Hoàng Liệt cấp thuốc cho các trường hợp F0 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiện các F0 vẫn phải mua thuốc tự điều trị. Nếu chưa có thuốc, ngành y tế cũng cần có các tờ hướng dẫn điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 tương ứng với từng triệu chứng bệnh để người dân đỡ lo lắng," chị Trần Thị Ánh Tuyết, Tổ phó Tổ dân phố số 21 nêu vấn đề.

[COVID-19: Số ca F0 tăng vọt, Hà Nội lập tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà]

“Rất thông cảm với y tế phường do họ quá bận, nhưng cũng phải có cách nào điều trị cho chúng tôi. Hôm nay, vợ tôi chuyển sang ho, sốt, tôi phải nhờ tổ trưởng tổ dân phố đi mua thuốc, tự điều trị, chứ không còn cách nào khác,” anh Phạm Đăng Khoa, một cư dân sinh sống trong tòa nhà bày tỏ.

Anh Khoa chia sẻ trước đó, do cùng tầng có trường hợp là F0 nên anh đã tự test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính. Anh ra trạm y tế phường Hoàng Liệt được làm test nhanh cũng cho kết quả dương tính. Sau đó, nhân viên y tế phường đã vào nhà anh lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR thêm cho 2 người lớn (2 trẻ nhỏ không lấy mẫu).

Trong thời gian chờ kết quả, do sốt ruột anh đã gọi dịch vụ của Bệnh viện Medlatec đến lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ 5 người trong gia đình thì cả 2 vợ chồng anh và 2 con đều dương tính với SARS-CoV-2.

Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, F0 đang loay hoay tự điều trị tại nhà ảnh 2Nhân viên y tế đến theo dõi, điều trị F0 tại nhà xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Anh đã thông báo cho Ban quản trị tòa nhà, tổ dân phố để báo với trạm y tế phường nhưng từ đó đến nay anh chưa nhận được thuốc điều trị. Anh đành nhờ mua thuốc, rồi tự “mày mò” điều trị theo tài liệu hướng dẫn trên nhóm Zalo của cư dân tòa nhà. Hôm nay, diễn biến bệnh của vợ anh trở nặng, anh cũng chưa biết phải xoay xở thế nào.

Tương tự chị Phạm Thị Hồng Gấm ở cùng tòa nhà cũng cho biết, ngày 21/12, chị ra trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, tại đây cũng có nhiều người là F0 và F1 đang chờ đợi.

Chị đã được làm test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhân viên y tế hướng dẫn về cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Đến tối, nhân viên y tế phường đã đến nhà chị lấy mẫu cho các trường hợp F1. Trừ 2 con chị không được lấy mẫu xét nghiệm, còn lại cả 4 người trong gia đình chị được xét nghiệm đều dương tính.

“Thấy nhân viên y tế bận túi bụi không làm kịp cho các F1, F0 tôi rất thông cảm, nhưng 1 tuần chẳng có thuốc thang, hướng dẫn gì từ y tế nên cũng lo lắng,” chị Phạm Thị Hồng Gấm bày tỏ.

Với dân số gần 90.000 nhân khẩu, Hoàng Liệt không chỉ là phường đông dân nhất quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội), mà còn nằm trong “top” phường có dân số nhiều nhất, nhì thành phố.

Mặc dù quân số trạm y tế phường được tăng cường lên 11 người, cao nhất quận vẫn không thể đảm đương nổi khối lượng công việc ở đây. Nhất là trong những ngày này, quận Hoàng Mai luôn có số ca F0 ghi nhận mỗi ngày cao nhất thành phố. Hàng ngày, tại trạm y tế cán bộ nhân viên y tế của Trạm bận từ sáng đến đêm.

Trao đổi nhanh qua điện thoại vấn đề trên với ông Tạ Quốc Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường khi ông đang xuống địa bàn, ông cho biết, dân số đông nhưng trạm y tế phường chỉ có 11 cán bộ, nhân viên y tế nên công việc quá tải.

Phường Hoàng Liệt cũng đã thành lập các tổ hỗ trợ điều trị cho F0. Ông Thái cho biết thêm sẽ kiểm tra lại sự phối hợp giữa trạm y tế với các lực lượng liên quan cũng như xem thuốc trong kho có còn không.

Ngay khi có ca F0 xuất hiện đến nay, y tế phường Hoàng Liệt đã xét nghiệm cho F1 và 2 lần phun khử khuẩn toàn bộ tòa nhà. Việc mua các nhu yếu phẩm hàng ngày và thuốc men cho các gia đình F0 được tổ trưởng tổ bảo vệ, tổ trưởng dân phố giúp đỡ.

Tuy nhiên, việc điều trị cho bệnh nhân là cấp bách, các trường hợp F0 mong muốn y tế phường sớm có thuốc và hướng dẫn điều trị cụ thể cho bệnh nhân. Ngoài ra khi xét nghiệm cho các trường hợp F1 cần xét nghiệm RT-PCR khẳng định lại cho các trường hợp F0 được phát hiện qua test nhanh để tránh sai sót.

Cũng là địa bàn “nóng,” quận Đống Đa có nhiều F0 được điều trị tại nhà. Trưởng trạm y tế phường Trung Phụng (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, trạm y tế có 7 cán bộ, nhân viên quản lý, điều trị tại nhà cho 300 trường hợp F0, 1 nhân viên y tế phải trực 24 tiếng, tiếp nhận thông tin từ 2 điện thoại di động và cố định.

“Hiện nay, các loại thuốc nhóm A vẫn đủ cấp cho bệnh nhân, nhưng thuốc kháng virus được cấp mới chỉ được 7 người, đạt 1% so với nhu cầu. Trạm đã xin cấp thêm loại thuốc này nhưng không có nguồn nên rất khó,” chị Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết.

Theo chị Thúy, để theo dõi diễn biến bệnh cho bệnh nhân, trạm y tế lưu động phường Trung Phụng dựa vào tổ trưởng tổ dân phố phụ trách khu vực để nắm bắt tình hình sức khỏe của các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Các cán bộ cụm dân cư, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cơ bản cho bệnh nhân.

Thực tế hiện nay, ở một số phường trên địa bàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả mô hình các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ các trường hợp F0 thể nhẹ điều trị, cách ly tại nhà và trạm y tế lưu động nhờ sự phân công “rõ người, rõ việc."

Điển hình như phường Mai Động (quận Hoàng Mai) đã thành lập 5 tổ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tổ xử lý môi trường thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại các điểm trạm y tế lưu động và các hộ gia đình có trường hợp F0, F1 đưa đến địa điểm tập kết rác thải; tổ phản ứng nhanh giúp đỡ F0 điều trị tại nhà trong trường hợp cấp bách như phối hợp đưa F0 đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường, đưa các bình oxy lưu động hỗ trợ các bệnh nhân trong trường hợp chỉ định theo quy định; tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ các điểm thu dung trạm y tế lưu động chăm sóc người bệnh, đi chợ hộ, mua thuốc, nhu yếu phẩm, các vật dụng cần thiết cho các hộ gia đình có trường hợp F0, F1; tổ chăm sóc người bệnh có trách nhiệm vận động các bác sỹ hiện sinh sống trên địa bàn phường tham gia tư vấn.

Đặc biệt, phường Mai Động cũng đã thành lập các nhóm Zalo và cập nhật các bệnh nhân vào nhóm. Từ đó, các thành viên trong các tổ có thể tư vấn trên nhóm Zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường.

Ngoài ra, phường cũng thành lập Tổ tuyên truyền nhằm in ấn, biên tập phát trên hệ thống loa truyền thanh các bài hướng dẫn F0 tự điều trị tại nhà của Bộ Y tế và kinh nghiệm của các bác sỹ tư vấn.

“Chúng tôi gọi điện hỏi thăm và sẵn sàng đáp ứng khi các gia đình F0 cần giúp đỡ như kết nối với y tế phường khi họ cần hỗ trợ chuyên môn về y tế hoặc đi chợ hộ khi các gia đình có nhu cầu về nhu yếu phẩm, thuốc men,” chị Trần Anh Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ phường Mai Động người trực tiếp tham gia vào Tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ F0 tại nhà cho biết.

Dùng thuốc phải có chỉ định của bác sỹ

Ngày 7/12, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn khẩn gửi các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc phân bổ thuốc điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19, trong đó 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, mỗi trung tâm y tế được cấp 200 túi thuốc.

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Những F0 điều trị tại nhà tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.

Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, F0 đang loay hoay tự điều trị tại nhà ảnh 3Nhân viên y tế đến nhà bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khi điều trị tại nhà, các F0 cần lưu số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. 

Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Y tế đảm bảo phương án tại chỗ, tính phương án cách ly tại nhà cả F0, F1 nhưng phải đảm bảo chăm sóc y tế được cho người bệnh và huy động các lực lượng như y tế ngoài công lập, cán bộ y tế đã nghỉ hưu để sẵn sàng khi cần thiết. Đồng thời, ngành y tế cần linh hoạt trong vấn đề xã hội hóa, đặc biệt là thuốc điều trị, làm sao để đáp ứng được tất cả các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi lượng thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu thì nhiều trường hợp F0, F1 điều trị tại nhà ở Hà Nội đã tự mua thuốc theo đơn sao chép trên mạng để điều trị.

Điều này đã được các chuyên gia y tế cảnh báo nếu điều trị không đúng sẽ gây tổn hại cho sức khỏe, như việc dùng corticoid hay hạ sốt, giảm đau không đúng chỉ định dễ gây viêm dạ dày cấp, loét, thậm chí chảy máu hoặc thủng dạ dày. 

Các bác sỹ khuyến cáo, F1 nếu không có triệu chứng nên cách ly, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, tập thể dục và có thể bổ sung thêm Vitamin C, 3B để nâng sức đề kháng, tuyệt đối không dùng thuốc. Còn với F0 có triệu chứng cần dùng thuốc điều trị theo các triệu chứng.

Trước khi dùng thuốc, phải có chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không dùng theo đơn được chia sẻ trên mạng và tránh dùng thuốc khi không có triệu chứng để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Đặc biệt, khi nguồn thuốc còn quá ít chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thì việc cung cấp các hướng dẫn dùng thuốc điều trị theo triệu chứng đến tận tay các trường hợp F0 là điều cần thiết và cần làm kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục