Hà Nội: Tập trung rà soát, cách ly ca nghi nhiễm để đảm bảo an toàn

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị việc công bố ca bệnh cần phải thực hiện sớm nhưng không được vội vàng, chủ quan gây hoang mang trong dư luận.
Hà Nội: Tập trung rà soát, cách ly ca nghi nhiễm để đảm bảo an toàn ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 do Hà Nội tổ chức chiều 29/3, đại diện Sở Y tế cho biết các trường hợp liên quan ca bệnh tại Hải Phòng đã có kết quả âm tính lần 1.

Tập trung rà soát, cách ly các ca nghi nhiễm

Cụ thể, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết sau khi cơ quan chức năng phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với virust SARS-CoV-2 ở Hải Phòng có liên quan đến Hà Nội, ngành y tế đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã khẩn trương điều tra lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan và tổ chức cách ly theo quy định.

[COVID-19: Việt Nam không có ca mới, hơn 45.000 người được tiêm chủng]

Theo kết quả điều tra, có 89 người Hà Nội trên chuyến bay; trong đó có 12 trường hợp là F1, 77 người có liên quan. Đến nay, tất cả trường hợp này đã cho kết quả âm tính lần 1.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã rà soát, xét nghiệm, cách ly được 1.152 trường hợp F1 và 12.829 trường hợp F2, chỉ còn 12 trường hợp là F1 của bệnh nhân ở Hải Phòng đang được cách ly tập trung và 77 trường hợp liên quan được cách ly tại nhà.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine, ông Hạnh thông tin thêm, đến thời điểm này, Sở Y tế đã tiêm phòng cho 7.419 người, hiện tại các trường hợp này sức khỏe đều bình thường.

Tại phiên họp, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cho biết tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: Quản lý nghiêm các khu cách ly tập trung; tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp "5K"; duy trì các tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng" đồng thời triển khai khai báo y tế qua ứng dụng QR-Code…

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức, huyện vẫn đang duy trì tổ COVID-19 cộng đồng và các tiểu ban tổ chức lễ hội chùa Hương để vừa đón khách, vừa phòng, chống dịch.

"Ban tổ chức duy trì 1 đội thuyền tuyên truyền trên suối Yến, nhắc nhở người dân bảo đảm phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường xử lý những trường hợp du khách không chấp hành đúng quy định," đại diện huyện Mỹ Đức cho biết.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch lưu trú, lữ hành bảo đảm thực hiện an toàn phòng, chống dịch, tổ chức khai báo y tế cho du khách.

Tránh gây hoang mang trong dư luận

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết Hà Nội đã triển khai công tác tiêm vaccine một cách bài bản, kỹ lưỡng. Theo đó, cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức tập huấn cán bộ tiêm chủng; tổ chức tiêm thử nghiệm, cơ bản hoàn thành tiêm đợt 1 và bảo đảm an toàn.

Cũng theo ông Dũng, tuần qua, xuất hiện trường hợp nhập cảnh trái phép dương tính với SARS-CoV-2 và Hà Nội có 89 trường hợp F1, khiến dư luận hoang mang.

Mặc dù Ban Chỉ đạo thành phố và các địa phương đã tích cực vào cuộc, kịp thời truy vết các trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 (kết quả âm tính lần 1), song theo Phó Chủ tịch thành phố, tại Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát dịch trong cộng đồng.

Chính vì vậy, để đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, ông Dũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị và đặc biệt là người dân tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp "5K"; khai báo y tế qua quét mã QR-Code.

Đặc biệt, ông lưu ý các đơn vị quản lý tốt công tác hộ khẩu, tăng cường kiểm tra công tác nhập cảnh nhất là giám sát nhập cảnh trái phép nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm…

Trong công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch lưu ý việc thông tin tới người dân cần thận trọng, không vội vàng. Hiện nay, Hà Nội có 10 bệnh viện thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhưng chỉ có 2 bệnh viện có chức năng xét nghiệm khẳng định mới được phép công bố ca bệnh khi có kết quả rõ ràng.

"Việc công bố ca bệnh cần phải thực hiện sớm nhưng không được vội vàng, chủ quan gây hoang mang trong dư luận," ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục