Hai tuyến buýt City Tour chạy ‘cùng lộ trình’, liệu có cần thiết?

Lượng khách thấp, hai tuyến buýt hai tầng mui trần lại trùng lộ trình, dẫn tới nguy cơ thua lỗ và sai chủ trương của thành phố về việc mở mới cần phải tiếp tục kết nối đến các điểm du lịch, làng nghề.
Tuyến xe City Tour 02 mới được điều chỉnh có lộ trình trùng 90% với tuyến City Tour 01. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tuyến xe City Tour 02 mới được điều chỉnh có lộ trình trùng 90% với tuyến City Tour 01. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mới đây vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh lộ trình tuyến xe khách du lịch hai tầng City Tour Thăng Long Hà Nội (City Tour 02). Theo đó, từ ngày 9/9, tuyến City Tour 02 này được vận hành và khai thác với lộ trình và cự ly tuyến trùng gần 100% với tuyến Hà Nội City Tour (City Tour 01).

Và câu hỏi đặt ra, việc điều chỉnh lộ trình trùng nhau, lợi ích tối ưu nhất liệu có đến với hành khách?

Chạy sau nhưng lại có lộ trình trùng gần 100%

Trước đó, vào ngày 30/5/2018, Hà Nội đã chính thức khai trương tuyến buýt 2 tầng City Tour có lộ trình đi qua 25 tuyến phố với 13 điểm dừng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hành khách tiếp cận dễ dàng gần 30 điểm tham quan tiêu biểu, đặc sắc của Hà Nội, góp phần thúc đẩy và phát triển du lịch Thủ đô.

Với một loại hình dịch vụ vận tải gắn liền với du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội, tuyến City Tour 01 được du khách, dư luận đánh giá đã đáp ứng được mục tiêu đề ra như phục vụ tốt nhu cầu thăm quan du lịch; thu hút khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch của Thủ đô; lượng khách bắt đầu có sự tăng trưởng theo thời gian và nhận được nhiều đánh giá tích cực về chất lượng dịch vụ từ du khách.

[Hà Nội: Thêm một đơn vị muốn tham gia tuyến buýt 2 tầng mui trần]

Tuy nhiên, sau sáu tháng kể từ khi tuyến City Tour 01 chính thức hoạt động, khi lượng hành khách còn thấp. Ngày 30/11/2018, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam được chấp thuận vận hành tuyến City Tour Thăng Long Hà Nội. Đây là tuyến City Tour 02 nhưng có lộ trình, các điểm đón trả khách trùng 11/13 điểm (trên 90%) với tuyến City Tour 01 đang hoạt động.

Ngày 21/8/2019, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức cuộc họp để bàn về phương án điều chỉnh lộ trình tuyến City Tour 02 của Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội đề xuất đi qua đường Đinh Tiên Hoàng.

Tại cuộc họp, đã không có được tiếng nói chung giữa hai doanh nghiệp là Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam do việc điều chỉnh lộ trình vô hình chung khiến tuyến City tour 02 trùng hoàn toàn với tuyến City tour 01, gây sự cạnh tranh không cần thiết giữa hai doanh nghiệp, phân giải cho việc này cần có thêm ý kiến chỉ đạo từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đến ngày 22/8, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam-Hà Nội đã có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bổ sung điểm dừng đỗ và thay đổi lộ trình tuyến City Tour 02; thay đổi điểm dừng đỗ tại 47 Hàng Dầu (bên hông Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) bằng điểm dừng đỗ tại 75 đường Đinh Tiên Hoàng (điểm đỗ Bưu điện Hà Nội), sau đó xe tiếp tục đi theo đường Đinh Tiên Hoàng (vòng theo hồ Hoàn Kiếm), rẽ theo Lê Thái Tổ-Tràng Thi và tiếp tục lộ trình cũ giống hệt tuyến City Tour 01.

Vẫn đồng tình chấp thuận…

Trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 5/9 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có quyết định số 1415/QĐ-SGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh lộ trình tuyến City Tour Thăng Long-Hà Nội do Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam vận hành theo như đề xuất của công ty này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, một chuyên gia giao thông, bất cứ tuyến buýt 2 tầng mui trần nào nếu đã bố trí vận hành thì không nên để trùng lặp.

[Buýt 2 tầng mui trần trung bình 7 khách/lượt, Sở GTVT Hà Nội nói gì?]

“Trên cơ sở thực tế khai thác sẽ quyết định tần suất có tăng thêm đơn vị chạy vào tuyến đó hay không? Nếu không có nhiều khách đi thì nên giãn chuyến ra hoặc cho ngừng khai thác đồng thời phải theo dõi doanh thu, nếu kém quá thì phải điều chỉnh chứ không phải cứ 7-8 người là chạy khai thác. Vậy khi thua lỗ, ai là người chịu trách nhiệm về việc này, gắn vào du lịch hay vận tải đô thị, điều này phải rõ ràng và minh bạch,” ông Thủy bày tỏ quan điểm.

Nhấn mạnh việc triển khai thí điểm dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe hai tầng thoáng nóc góp phần phát triển du lịch Thủ đô là một chủ trương đúng của thành phố Hà Nội, ông Thủy cho rằng, việc có thêm hay mở mới các tuyến City Tour mới cũng sẽ là hợp lý khi các điểm tham quan du lịch của Hà Nội không chỉ có Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn; thành phố Hà Nội còn rất nhiều các di tích lịch sử, văn hóa, còn nhiều điểm du lịch, làng nghề của Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc, Tây Hồ… cần tiếp tục được kết nối.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần có những hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có nhu cầu và mong muốn được tham gia lĩnh vực này chủ động xây dựng, lựa chọn lộ trình phù hợp để khi khai thác vận hành không tạo ra xung đột giữa các doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được yêu cầu mở rộng mạng lưới tuyến tham quan, du lịch của Thủ đô, có như vậy mới là mang lại lợi ích tối ưu nhất cho hành khách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục