Theo hãng thông tấn Yonhap, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đã thành lập một nhóm liên ngành đặc trách các vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết gần đây của tòa án Seoul yêu cầu Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhóm trên bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Pháp chế của chính phủ, Văn phòng Điều phối chính sách của chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan khác.
Quan chức trên cho biết thêm nhà chức trách Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các phán quyết liên quan đến vấn đề trên. Quan chức này cũng nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc cần có thời gian để cân nhắc và đưa ra “biện pháp tốt nhất có thể.”
[Nhật phản đối phán quyết của Tòa án Hàn Quốc về lao động thời chiến]
Tháng 11 vừa qua, Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động tại xưởng đóng tàu và một số cơ sở khác của tập đoàn này tại hai thành phố Hiroshima và Nagoya năm 1944.
Tòa án này đã giữ nguyên hai phán quyết của Tòa Thượng thẩm. Theo đó, phán quyết thứ nhất yêu cầu Mitsubishi bồi thường cho bốn phụ nữ và gia đình một nạn nhân, mỗi người 100-120 triệu won (89.000-109.000 USD). Phán quyết thứ hai yêu cầu bồi thường cho 6 nạn nhân khác, mỗi người 80 triệu won (71.000 USD).
Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tôn trọng quyết định của tòa án và sẽ soạn thảo lại chính sách liên quan vấn đề trên.
Trong khi đó, Nhật Bản phản đối mạnh mẽ các phán quyết trên. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nêu rõ phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc đi ngược lại hiệp định năm 1965 về bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa chính phủ hai nước. Theo ông, tất cả các vấn đề bồi thường liên quan thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1910-1945 đã được giải quyết trong thỏa thuận trên.
Ông Kono cảnh báo Tokyo sẽ tìm biện pháp đáp trả nếu Seoul không giải quyết thỏa đáng vấn đề trên./.