Sáng sớm 23/12, Điền Trạch Minh được giải cứu sau 67 giờ bị chôn vùi dưới lớp đất đá, trở thành nạn nhân may mắn đầu tiên được phát hiện sau vụ lở đất kinh hoàng ở quận Quang Minh, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Từ khi phát hiện có dấu hiệu của sự sống đến khi giải cứu thành công là quá trình kéo dài gần 20 giờ đồng hồ của nhiều lực lượng cứu hộ kết hợp.
Xác định vị trí của sự sống
Khoảng 10 giờ ngày 22/12, lực lượng cứu hộ đã có mặt tại khu vực số 2 phía Đông hiện trường lở đất. Đội trưởng một đội cứu hộ, Vương Vĩ, reo lên rằng máy radar hiển thị ở đây có người sống.
Lúc này, hơn 10m bùn đất đã được xúc lên làm lộ ra một góc của tòa nhà bị chôn vùi bên dưới.
"Sau khi phát hiện tín hiệu của sự sống, chúng tôi vừa dọn dẹp dần bề mặt của mái nhà, vừa thăm dò xác định vị trí," Vương Vĩ nói. Bắt đầu từ một điểm có bán kính 50cm, sau đó máy xúc đã tạo ra 3 miệng hố khác có bán kính quá 4m để định vị một cách rõ ràng hơn dấu hiệu của sự sống nhưng tín hiệu nhận lại được rất yếu ớt.
Họ liên tục nhiều lần đặt máy dò để nghe thêm âm thanh dưới lòng đất đó. Có những lúc, máy dò bất chợt phát ra âm thanh nhưng lại chỉ là âm thanh của ai đó vô tình đi qua.
Thiết bị dò này có thể nhanh chóng phát hiện ra tín hiệu của con người và loại bỏ tín hiệu của động vật. Điều kiện là trong phạm vi 15m không có người.
Dù tín hiệu yếu ót, không ổn định nhưng cũng đủ để đội cứu hộ chắc chắn vị trí đó là trong tòa nhà đang bị vùi sâu dưới đất.
Nhân viên cứu hộ bắt đầu dùng thiết bị để tạo lỗ hổng trên mái nhà, sau đó đưa máy dò xuyên qua những lỗ nhỏ, thăm dò động tĩnh bên dưới. Họ đã đục 8 lỗ trong 8 gian phòng của tầng thứ nhất, thiết bị thăm dò mắt rắn được thả vào bên trong nhưng không có kết quả. Họ hét lên cũng không có âm thanh đáp lại. Sau đó, tầng đầu tiên bị phá vỡ hoàn toàn.
Họ xúc thêm lớp đất đá của hai tầng nữa, tiếp tục thăm dò, tín hiệu của sự sống vẫn tồn tại.
Niềm tin nhân lên
Muốn xác định được vị trí cụ thể của nạn nhân cần khoanh được phạm vi nhỏ hơn, chính xác hơn. Thời gian vẫn cứ trôi, và nhân viên cứu hộ vẫn miệt mài.
2 giờ 46 ngày 23/12, đã 17 giờ đồng hồ trôi qua kể từ khi phát hiện ra tín hiệu của sự sống. Một lỗ nhỏ bằng nắm tay được đục ra, mọi người đột nhiên nhìn thấy có thứ gì đó đang lắc lư. Tất cả ánh đèn, ánh mắt đang tập trung tại đây.
Đó là một cánh tay. Một cánh tay đang lắc lư.
"Đã tìm thấy người sống rồi!" tiếng một nhân viên cứu hộ vọng lên khiến tất cả mọi người bừng tỉnh sau chuỗi giờ mệt mỏi.
Ngô Văn Vĩ, nhân viên cứu hộ, người đã đưa bàn tay của mình xuống nắm chặt cánh tay kia: "Người anh em, đừng sợ, chúng tôi đến rồi."
Cuộc đối thoại giữa bờ vực của sự sống và cái chết
Nhân viên cứu hộ hét lên để nói với người bên dưới lòng đất. "Khát nước, muốn uống nước," âm thanh yếu ớt vọng lên từ lòng đất.
"Khi đó tôi đã hỏi anh ấy bị thương ở chỗ nào, anh ấy nói rằng chân trái bị vật gì đó ép chặt, nhưng thực tế chân phải của anh ấy mới bị mắc kẹt," một nhân viên cứu hộ nói.
Nạn nhân sống sót, Điền Trạch Minh, chỉ cảm nhận được sự rung chuyển dữ dội vào buổi trưa ngày 20/12 sau đó chìm vào bóng tối.
Sau khi dưới lòng đất hơn 60 giờ đồng hồ, Điền Trạch Minh vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Anh ta hỏi: "Đã xảy ra động đất hay sóng thần?"
Nhân viên cứu hộ cười đáp lại: "Đây là Thâm Quyến, anh nghĩ liệu có thể xảy ra sóng thần không?"
Điền Trạch Minh đã cười trong giây phút đó. "Chân trái của tôi mất cảm giác, liệu tôi có mất đi chiếc chân đó không?" Điền lại hỏi bằng giọng lo lắng.
Điền nói anh nhớ nhà, nhớ mẹ. Chàng thanh niên 19 tuổi, từ Trùng Khánh đến Thâm Quyến mới được nửa tháng. Tòa nhà 5 tầng mà anh ta ở đã bị đổ sập chỉ còn cao nửa tầng. Trong hàng chục giờ đồng hồ, anh ta đã bị chôn vùi sâu khoảng 14, 15m dưới lớp đất. May mắn là sàn nhà sập xuống chồng lên ghế tạo một không gian nhỏ bé cho anh ta có thể thở.
Anh ta bị đất đè lên cả người nhưng cánh tay phải lại có thể cử động. Trong bóng tối, anh ta đã tìm được rất nhiều đồ ăn vặt. Đây chính là nguyên nhân tại sao anh ta có thể sống để chờ đợi đội cứu hộ.
Trong suốt mấy giờ đồng hồ tiếp theo, cuộc trò chuyện vẫn diễn ra. Đa số thời gian là nhân viên cứu hộ nói còn Điền Trạch Minh nghe. Mọi người muốn anh ta giữ sức.
Nhân viên cứu hộ đã lần lượt đưa cho anh ta 3 chiếc khăn mặt, họ dạy anh ta lau lớp bùn đất trên mặt, còn chiếc khăn cuối dùng để che mũi và miệng tránh bị nghẹt thở bởi lớp bùn đất.
Một đường hầm được mở ra an toàn, có thể chứa 1 người lọt vào trong. Họ dọn sạch bùn đất, những mảnh thủy tinh vỡ đến khi có thể nhìn thấy nạn nhân.
"Khi chui xuống, tôi phát hiện bên trong có cả một bức tường chịu lực, rất nhiều mảnh thủy tinh vỡ và nạn nhân thì đang ở gần đó," Chúc Dũng, nhân viên cứu hộ, nói.
Chúc Dũng chỉ có thể nắm được phần lưng của Điền, và kéo dần ra, từ không gian chật chội kéo ra con đường an toàn và được tiếp sức bởi những đồng đội bên ngoài.
Quá trình di chuyển này diễn ra trong hơn 10 phút, nhưng đối với Chúc Dũng, thời gian trôi thật chậm chạp.
"Tôi chỉ sợ sẽ làm anh ấy bị thương thêm một lần nữa," Chúc Dũng nói.
6 giờ 38 ngày 23/12, khuôn mặt của Điền Trạch Minh cuối cùng cũng đã lại xuất hiện một lần nữa trên mặt đất.
Nhưng Điền Trạch Minh vẫn còn một người bạn đồng hành, cùng với anh ta sống những giờ phút trong bóng tối nhưng không được may mắn, người đàn ông kia đã không vượt qua được sức nặng của bùn đất.
3 giờ đồng hồ sau khi Điền được giải cứu, 9 giờ 28 phút, bạn đồng hành của Điền cũng được đưa lên nhưng trên người anh ta được phủ một lớp vải trắng./.