Nhằm cứu khát cho người dân trong mùa khô năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương khẩn trương khoan mới 11 giếng nước ngầm ở tất cả những khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, chậm nhất trong tháng 3 này có nước cung cấp cho người dân sử dụng.
Theo đó, các giếng này được khoan tại các khu vực thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ, với tổng công suất 11.500m3 nước/ngày đêm, tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Tại thành phố Vị Thanh đang cho khoan thăm dò, nếu các mũi khoan trên đúng tầng nước, sẽ có nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng trong tháng 3 này.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Hậu Giang khẳng định, với các giếng khoan mới này, Hậu Giang đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho các nhà máy nước tập trung cũng như nước sinh hoạt trong dân, nhất là trước tình trạng mặn xâm nhập, khô hạn hiện nay.
Ngoài ra, Công ty Cấp thoát nước- Công trình đô thị Hậu Giang cũng đang có kế hoạch khoan mốt số giếng tại các nhà máy nước, các khu vực, các sông bị nhiễm mặn, không thể lấy nước mặt cho nhà máy.
Theo ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn trên địa bàn đang diễn ra gay gắt, chưa từng xảy ra khoảng 100 năm qua ở tỉnh này. Vì vậy, để đối phó với xâm nhập mặn, khô hạn, tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó ưu tiên phải đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân sinh hoạt cũng như tưới tiêu.
Theo ông Hùng, đây là lần đầu tiên tỉnh cho khoan giếng nước ngầm “cứu” khát cho dân. Bởi Hậu Giang được mệnh danh là vùng đất ngọt hóa quanh năm, đồng lúa, vườn cây ăn trái.
Đối với nhà máy nước tập trung, lâu nay lấy nguồn nước mặt ở sông lên xử lý, cung cấp cho dân sử dụng, nay các sông bị nhiễm mặn, không thể khai khác được nên buộc phải khoan giếng nước ngầm. Qua đó cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến môi trường, cuộc sống của người dân.
Toàn tỉnh hiện có 226 trạm cấp nước; trong đó có 30 trạm cấp nước tập trung với công suất thiết kế khoảng 125m3/giờ; gần 200 trạm cấp nước mini công suất từ 4-6m3/giờ. Tuy nhiên, hầu hết các trạm này đầu tư hơn 10 năm và đang xuống cấp, chủ yếu lấy nước mặt xử lý.
Do đó, việc khoan nước ngầm, bổ sung cho các nhà máy nước cứu khát cho dân là điều cần thiết. Ngoài khoan giếng, cung cấp nước ngầm, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương đầu tư phương tiện, xe, các đồ dùng…nhằm “tiếp tế” nước cho người dân ở những khu vực vùng sâu, vùng xa khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt, với mục tiêu không để dân “khát” nước trong mùa khô.
Theo nhận định của ngành chức năng, mùa khô năm nay kéo dài đến tháng 7, sẽ gây ra nhiễm mặn, thiếu nước tưới cho khoảng 60.000ha lúa, 15.000 ha vườn cây ăn trái, hơn 10.000 ha mía, dứa bị mặn uy hiếp và hàng nghìn hộ dân ở thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, các địa phương giáp cửa sông lớn xảy ra thiếu nước ngọt sinh hoạt./.