Hòa Bình kiến nghị xây đường dẫn nước kín vào Nhà máy nước sông Đà

Tuyến ống thô kín dẫn nước từ nguồn bơm trực tiếp vào khu xử lý của Nhà máy nước sạch sẽ giảm thiểu được nguy cơ ô nhiễm.
Hòa Bình kiến nghị xây đường dẫn nước kín vào Nhà máy nước sông Đà ảnh 1Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà - tâm điểm của sự cố xả dầu thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đảm bảo an toàn cấp nước, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cần xây dựng đường dẫn nước kín dẫn về Nhà máy; không dùng hồ Đầm Bài làm nơi chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.

Đây là kiến nghị được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về sự cố đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước Nhà máy Viwasupco được tổ chức tại thành phố Hoà Bình.

Tại cuộc họp trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hòa Bình đánh giá: "Hòa Bình chưa bao giờ gặp sự cố tương tự. Sự việc lần này là bài học cho các ban ngành và lãnh đạo tỉnh.”

Để đảm bảo an toàn nguồn nước trong tương lai, tỉnh Hòa Bình yêu cầu phía Viwasupco cần tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước; tiếp tục thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài.

[Đầu nguồn nhà máy nước sông Đà ra sao sau 9 ngày ‘ngậm dầu’?]

Viwasupco cũng phải xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó và khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước trong tương lai.

Phía tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận “gặp khó khăn” trong bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước dẫn về hồ Đầm Bài do diện tích rộng và có nhiều suối nhỏ dẫn vào.

Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm 2 bên lưu vực kênh dẫn dòng và lưu vực hồ Đầm Bài, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công ty nước sạch sông Đà khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ sông Đà và trạm bơm thay vì lộ thiên như hiện nay. Việc này sẽ giúp bơm nước thô trực tiếp từ nguồn vào bể lắng sơ bộ đặt trong khu xử lý.

Hòa Bình kiến nghị xây đường dẫn nước kín vào Nhà máy nước sông Đà ảnh 2Sự cố xả dầu thải tại Kỳ Sơn được lãnh đạo tỉnh thừa nhận là "sự cố chưa từng gặp" tại Hòa Bình. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Công trình hồ Đầm Bài được xây dựng năm 1994, đưa vào sử dụng năm 1998. Ban đầu, hồ tưới tiêu cho 500 ha lúa và hoa màu của ba xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn. Từ năm 2005, hồ được bổ sung thêm nhiệm vụ chứa nước và bể sơ lắng cho dự án cấp nước sinh hoạt của Hà Nội, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Trước đó, vào đêm 8/10, dầu thải đã bị đổ trộm từ khe núi trên địa phận xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn, Hòa Bình) rồi chảy xuống suối Trầm. Dầu theo nước lan về hồ Đầm Bài trước khi chạy vào kênh xử lý của Nhà máy nước sông Đà. Dù phát hiện sự cố, nhưng một số cán bộ của công ty vẫn để mặc kệ khiến cho nguồn nước qua trạm xử lý bị nhiễm bẩn. Sự cố đã gây ra cơn khủng hoảng nước sạch cho hàng vạn cư dân sinh sống tại khu vực phía Tây Nam Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục