Italy xử vụ chìm tàu du lịch 5 sao Costa Concordia

Ngày 15/10, tòa án Italy bắt đầu xét xử vụ chìm tàu du lịch hạng sang Costa Concordia, để xác định xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngày 15/10, tòa án Italy sẽ bắt đầu hoạt động xét xử vụ chìm tàu du lịch hạng sang Costa Concordia, để xác định xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong thảm họa được ví như Titanic thứ hai, làm 32 người thiệt mạng, trong bối cảnh có những cáo buộc về vi phạm an toàn và trì hoãn trong hoạt động cứu hộ. Hàng trăm luật sư, các chuyên gia khoa học và người sống sót trong thảm họa Costa Concordia diễn ra hồi tháng Giêng năm nay sẽ tham dự phiên xử diễn ra ở thành phố Grosseto tại vùng Tuscany, không xa nơi con tàu chở khách khổng lồ mắc cạn. Thuyền trưởng Francesco Schettino, 5 thành viên thủy thủ đoàn và 3 giám đốc từ công ty sở hữu con tàu là Costa Crociere hiện đang bị điều tra. tòa án sẽ xem xét các kết quả do giới chuyên gia thu được từ việc điều tra tai nạn, để xác định xem ai sẽ phải ra tòa. Schettino, người bị truyền thông mô tả là nhân vật bị căm ghét nhất Italy sau thảm họa diễn ra ngày 13/1, đang bị buộc tội đã trì hoãn hoạt động di tản và đã rời tàu trước khi 4.229 người trên tàu được cứu. Ông này đã bị quản thúc tại gia sau vụ tai nạn, nhưng đã được tạm trả tự do vào tháng 7 năm nay và tới giờ vẫn chưa bị khởi tố. Thuyền trưởng có thể đối mặt với nhiều cáo buộc ngộ sát vì tội đã có màn trình diễn mạo hiểm mang tính phô trương gần đảo Giglio, nơi con tàu đã đâm vào đá. Ông này cũng không thông báo tai nạn với nhà chức trách, gây sự trì hoãn chết người trong hoạt động sơ tán khách khỏi tàu. Các thành viên khác của thủy thủ đoàn sẽ phải ra tòa gồm thuyền phó con tàu, 3 sĩ quan đã ở trên boong tàu khi tai nạn xảy ra và 1 nhân viên phụ trách an toàn, người đã nói với lực lượng tuần duyên rằng tàu chỉ bị mất điện. Các chuyên gia sẽ đệ trình bản phân tích dữ liệu từ hộp đen của tàu và nhiều thiết bị khác, sau khi cơ quan cảnh sát điều tra công bố các kết luận liên quan tới vụ việc. Một số trong 126 luật sư đại diện cho những người sống sót cũng có thể xuất hiện trước phiên tòa xử kín, dự kiến sẽ kéo dài vài ngày. Schettino, một trong các sĩ quan chỉ huy và 3 giám đốc Costa sẽ có mặt trong tòa. Schettino đã khẳng định rằng nhờ khả năng lái tàu tốt của ông ta nên con tàu đã không đâm thẳng vào đá. Ông nói rằng "một bàn tay thần thánh" đã dẫn đường cho mình. 'Madonna, tôi đã làm gì thế này?' Thuyền trưởng cũng bác tin bỏ tàu, nói rằng ông không tự nguyện rời tàu, nhưng đã trượt chân và ngã vào một chiếc xuồng cứu hộ. "Madonna (Đức Mẹ Maria trong tiếng Italy), tôi đã làm gì thế này?" - là lời Schettino đã thốt lên trong một đoạn băng ghi âm đã lọt ra ngoài, được ghi lại trên tàu chỉ vài giây sau khi tai nạn xảy ra lúc 9h45 phút. Trong một cú điện thoại hoảng loạn gọi cho một sĩ quan khác, ông ta đã hỏi tiếp: "Có phải chúng ta đang chìm xuống?" Nhưng vài phút sau, ông đã phát lệnh thông báo với hành khách rằng tàu chỉ bị mất điện. "Sự nghiệp của anh trong vai trò thuyền trưởng đã chấm hết" - ông ta nói với vợ bằng điện thoại trên con tàu đang nghiêng dần, trước khi phát tín hiệu báo nguy vào lúc 10h43 phút tối và ban lệnh rời tàu vào lúc 10h58 phút, thời điểm hành khách thi nhau leo lên xuồng cứu sinh. Các đoạn ghi âm về các cuộc trao đổi căng thẳng giữa Schettino với lực lượng tuần duyên trong đêm thảm họa cũng cho thấy ông này đã từ chối việc trở lại tàu. Những người sống sót nói rằng ông ta đã ở trên đất liền trong khi con tàu nghiêng về một bên.
Italy xử vụ chìm tàu du lịch 5 sao Costa Concordia ảnh 1
Xác tàu Costa Concordia vẫn nằm ngoài khơi Giglio Porto (Nguồn: AFP)
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng Bảy năm nay, thuyền trưởng đổ lỗi cho thủy thủ đoàn, nói rằng ông đã mất tập trung, nhưng một số người trên boong tàu lẽ ra đã phải thấy đá ngầm ở gần bờ. Ông cho biết bản thân "không cảm thấy đã phạm tội", nhưng cầu xin được tha thứ. Trong một báo cáo đưa ra trước phiên tòa, do thẩm phán thực hiện và lọt vào tay báo chí Italy hồi tháng 9 vừa qua, rất nhiều lỗi đã được chỉ ra là do Schettino gây nên. Nhưng Costa Crociere, công ty điều hành tàu biển du lịch lớn nhất châu Âu, đã không hành động nhanh chóng sau thảm họa. Báo cáo nói rằng Roberto Ferrarini, điều phối viên khủng hoảng của Costa đã liên lạc với Schettino, "dường như không nắm rõ tình hình thực tế của con tàu", dù nhận được mọi thông tin quan trọng. Lệnh rời tàu chỉ diễn ra khoảng gần nửa tiếng sau khi Ferrarini được thông báo, nhưng Costa Crociere nói rằng lỗi là do Schettino chứ không phải do họ. Báo cáo cũng nói rằng các thành viên thủy thủ đoàn hoàn toàn không được chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, vốn dẫn tới một cuộc sơ tán hỗn loạn và chậm chạp. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ giữa các thủy thủ đã khiến các mệnh lệnh quan trọng được hiểu sai. Những người sống sót đã đâm đơn kiện chống lại các công ty sở hữu con tàu ở Pháp, Đức, Mỹ, gồm lá đơn kiện trị giá 528 triệu USD ở bang Florida của Mỹ, nơi có công ty mẹ của Costa Crociere là Carnival Corporation. Xác con tàu sang trọng nặng 114.500 tấn hiện vẫn đang nằm nghiêng bên đảo Giglio. Một đội trục vớt đang tìm cách để ổn định nó và khiến nó nổi trở lại, trước khi được người ta kéo đi trong mùa Xuân tới đây./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục