Kế hoạch thành lập Quân chủng Vũ trụ của ông Trump có gì đặc biệt?

Tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ bắt tay xây dựng Quân chủng Vũ trụ tách riêng nhưng đối đẳng với các quân chủng khác của quân đội Mỹ.
Kế hoạch thành lập Quân chủng Vũ trụ của ông Trump có gì đặc biệt? ảnh 1Ông Trump phát biểu trước Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ hôm 18/6. (Nguồn: AFP)

Tờ Đông Phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, ngày 16/8 đưa tin Chính phủ Mỹ mới đây đã công bố đại kế hoạch xây dựng Quân chủng Vũ trụ, quyết tâm trước năm 2020 thành lập quân chủng thứ 6 của Quân đội Mỹ, nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực quân sự vũ trụ.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump hô hào xây dựng lực lượng vũ trụ tuy phù hợp với tâm lý của người dân Mỹ, vốn mơ hồ về khoảng không vũ trụ trong suốt thời gian dài vừa qua, nhưng dư luận và quan chức quân đội Mỹ vẫn đang nghi ngờ về việc thành lập cái gọi là “Quân chủng Vũ trụ” của Trump, không biết kế hoạch này có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không. Nhiều khả năng kế hoạch sẽ rất khó trở thành hiện thực. 

Tháng Sáu vừa qua, ông Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ bắt tay xây dựng Quân chủng Vũ trụ tách riêng nhưng đối đẳng với các quân chủng khác của quân đội Mỹ.

Ông Trump tuyên bố Mỹ phải là bá chủ vũ trụ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người được coi là “tổng chỉ huy” xây dựng lực lượng vũ trụ, ngày 9/8 vừa qua đã có bài phát biểu tại Lầu Năm Góc (Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ), quyết định thời gian xây dựng Quân chủng Vũ trụ là trước cuối năm 2020, trước khi ông Trump mãn nhiệm và tranh thủ liên nhiệm, ngay sau đó ông Trump có bài viết bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc xây dựng Quân chủng mới này.

[Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2019]

Ông Mike Pence nhấn mạnh Trung Quốc và Nga nhiều năm nay ra sức phát triển vũ khí gây nhiễu, đồng thời mưu đồ vô hiệu hóa các vệ tinh dẫn đường và thông tin của Mỹ.

Ông nói: “Đối thủ của chúng ta đã sớm chuyển lĩnh vực vũ trụ thành lĩnh vực tác chiến. Bây giờ là lúc viết tiếp chương mới vĩ đại của quân đội Mỹ, chuẩn bị cho chiến trường tiếp theo, tức xây dựng Quân chủng Vũ trụ."

Mike Pence một lần nữa yêu cầu Quốc hội thông qua khoản chi ngoài dự toán 8 tỷ USD, dùng cho hệ thống bảo đảm an ninh vũ trụ trong tương lai. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tính toán, xây dựng Quân chủng Vũ trụ sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.

Lực lượng vũ trụ của Mỹ hiện nay chủ yếu do Bộ Tư lệnh Vũ trụ thuộc Không quân kiểm soát.

Cùng ngày 9/8, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một kế hoạch 15 trang, nêu rõ xây dựng Quân chủng Vũ trụ với bốn cơ quan.

Thứ nhất là dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân, trước cuối năm nay thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ ngang bằng với các quân chủng khác, phụ trách toàn bộ hành động của quân đội Mỹ có liên quan đến vũ trụ.

Thứ hai là xây dựng lực lượng tác chiếc vũ trụ, tập hợp nhân lực chuyên ngành tác chiến vũ trụ của tất cả các quân chủng trong quân đội Mỹ hiện nay.

Thứ ba là thành lập Cục khai thác phát triển vũ trụ, cung cấp trang bị cho lực lượng tác chiến và phát triển kỹ thuật mới.

Thứ tư là thiết lập vị trí trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vũ trụ, là quan chức dân sự lãnh đạo Quân chủng Vũ trụ.

Kế hoạch thành lập Quân chủng Vũ trụ của ông Trump có gì đặc biệt? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Hướng dẫn chính sách không gian và chỉ đạo Bộ Quốc phòng lập quân chủng vũ trụ trong cuộc họp Hội đồng Không gian Quốc gia ngày 18/6. (Ảnh: Getty Images)

Quân đội Mỹ hiện nay có 5 quân chủng lớn gồm lục quân, hải quân, không quân, hải quân đánh bộ và tuần duyên. Kể từ năm 1947, sau khi thành lập Quân chủng Không quân, trong vòng 70 năm qua Mỹ đã không có quân chủng mới nào được thành lập. Xây dựng quân chủng mới bị coi là nguy hiểm và khó khăn, bởi vì phải phải xây dựng thêm một bộ máy quan chức và bộ khung hỗ trợ, và hơn thế nữa lại lấy bớt đi nguồn lực của các quân chủng khác, dễ sinh tẩy chay và va chạm.

Chuyên gia kỳ cựu của “Trung tâm đánh giá và dự báo chiến lược” (CSBA) của Mỹ, Bryan Clark, nêu rõ năm xưa Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng, chính là do trong quá trình này gây ra nhiều hỗn loạn, tăng thêm nhiều quan chức, kết quả đến gần 10 năm sau mới đạt được năng lực hành động như kế hoạch ban đầu.

Cựu Tư lệnh Không quân Mỹ, bà Deborah James cũng cho rằng lịch trình 2 năm xây dựng một quân chủng mới là quá lạc quan, dự tính quân chủng mới cần khoảng thời gian từ 5-10 năm mới có thể thành hình.

Cựu phi công vũ trụ kiêm thượng tá hải quân Mỹ Kelly thừa nhận Mỹ đang bị đe dọa trong khoảng không vũ trụ, nhưng nêu rõ không quân đã có thể xử lý vấn đề này, Bộ Quốc phòng đã đủ quan chức, thêm một bộ máy quan chức hoàn chỉnh nữa là không hợp lý.

Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James N. Mattis cũng từng phản đối xây dựng Quân chủng Vũ trụ, nêu rõ phạm vi hoạt động của Quân chủng Vũ trụ quá hẹp, hơn thế sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực từ đảm bảo hậu cần đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, mới đây, trong bối cảnh Trump ra sức thúc đẩy xây dựng Quân chủng Vũ trụ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thay đổi quan điểm sang ủng hộ.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là xây dựng một quân chủng mới cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua, mà trong Quốc hội Mỹ hiện nay, lập trường của các nghị sỹ không thống nhất.

Hai hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Rogers và Cooper hoan nghênh Bộ Quốc phòng cuối cùng đã nhìn nhận ra vấn đề xây dựng Quân chủng Vũ trụ. Còn Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Brian Schatz cho rằng xây dựng Quân chủng Vũ trụ là ý tưởng ngu xuẩn không thể thành hiện thực.

Thượng nghĩ sỹ thân Đảng Dân chủ Sanders nêu rõ Chính phủ cần bảo đảm đầy đủ cho khoản chi y tế chữa bệnh, trước khi có thể tính đến việc chi hàng tỷ USD để quân sự hóa khoảng không vũ trụ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục