Kêu gọi EU đưa người Afghanistan, trẻ em vào chương trình tái định cư

Hy Lạp và các cơ quan về người tị nạn đã kêu gọi EU đưa cả những người Afghanistan dễ bị tổn thương và những trẻ em không có người thân đi kèm vào chương trình tái định cư.
Kêu gọi EU đưa người Afghanistan, trẻ em vào chương trình tái định cư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/1, Hy Lạp và các cơ quan về người tị nạn đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đưa cả những người Afghanistan dễ bị tổn thương và những trẻ em không có người thân đi kèm vào nhóm đối tượng được xem xét trong chương trình tái định cư của khối.

Theo chương trình tái định cư của EU, khoảng 30.000 người (chủ yếu là người Syria) đã được chuyển từ Hy Lạp, Italy tới một số nước khác trong EU nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư vốn được xem là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài suốt hơn 2 năm qua.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với ước tính ban đầu vào khoảng 160.000 người. Hiện người Afghanistan là nhóm người xin tị nạn lớn thứ hai tại châu Âu sau Syria, nhưng cho đến nay người tị nạn Afghanistan không được đưa vào chương trình tái phân bổ người di cư của châu Âu.

Cho đến nay, chỉ những người xin tị nạn mang quốc tịch của những nước có ít nhất 75% tỷ lệ được công nhận tị nạn mới được phép đưa vào chương trình tái định cư của EU. Đối với người Afghanistan, tỷ lệ này không thể đạt được.

Đại diện Cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Hy Lạp, ông Philippe Leclerc cho biết UNHCR sẽ đề xuất một số nhóm nhất định, trong đó tính tới việc đưa cả những người Afghanistan dễ bị tổn thương và 3.300 trẻ em không có người nhà đi cùng, vào chương trình tái định cư của EU.

[Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá tiêu cực hiệu quả ngân sách EU cho người tị nạn]

UNHCR, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) và Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Yannis Mouzalas cho biết những khó khăn về tiêu chí như trên cùng với sự phản đối của nhóm Visegrad (còn gọi là nhóm V4, gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và CH Séc) đang cản trở nỗ lực tái phân bổ của EU.

Năm 2016, EU đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Afghanistan cho phép các nước thành viên EU trục xuất những người Afghanistan không được trao quy chế tị nạn về nước.

Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan hiện đang tìm kiếm tị nạn tại châu Âu lập luận rằng việc trục xuất có thể khiến nhiều người thiệt mạng do các nhóm vũ trang, như Taliban, vẫn đang hoạt động tại quốc gia Tây Nam Á này.

Liên quan đến vấn đề người di cư, lãnh đạo 7 nước Nam Âu gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta và Cộng hòa Cyprus nhóm họp tối 10/1 tại thủ đô Rome của Italy để bàn biện pháp giải quyết vấn đề người di cư - một trong những vấn đề gai góc nhất trong khu vực hiện nay.

Ngoài chương trình nghị sự bao gồm tương lai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm và đầu tư cũng như công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019, vấn đề người di cư sẽ là chủ đề nóng nhất được bàn thảo tại hội nghị.

Đây là hội nghị lần thứ tư của “Nhóm 7 nước Nam Âu” kể từ khi Hy Lạp đưa ra sáng kiến này vào tháng 9/2016. Hồi năm ngoái, nhóm này đã hai lần tiến hành họp, lần lượt ở Lisbon (Bồ Đào Nha) và Madrid (Tây Ban Nha)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục