Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Khó lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Việc triển khai gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến khó có thể hoàn thành theo lộ trình đề ra.
Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Khó lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ảnh 1Tàu đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là một trong những giải pháp cấp bách của Việt Nam để Liên minh châu Âu (EU) đưa ra phán quyết có lợi nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Trước tình hình đó, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có chủ trương đến đầu năm 2019, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến khó có thể hoàn thành theo lộ trình đề ra.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 25/9/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 9559/UBND-VP về việc quy định thời hạn các tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, trước ngày 31/10, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên bắt buộc phải tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến trước ngày 1/1/2019 các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, bắt buộc phải tự lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Trường hợp chủ tàu không chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và không tuân thủ việc mở máy 24/24 giờ khi khai thác hải sản trên các vùng biển, sẽ bị áp dụng hình thức không cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho đến khi chấp hành xong việc lắp đặt thiết bị.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết thống kê sơ bộ, hiện nay mới chỉ khoảng 1.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có gắn thiết bị giám sát hành trình; trong đó, có 270 tàu được hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy Movimar, trị giá 135 triệu đồng/máy.

Đây là hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá bằng công nghệ kết nối vệ tinh, với nhiều ứng dụng; trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Tàu cá được trang bị máy Movimar sẽ nhận được tín hiệu GPS và được định vị 24/24 giờ, mỗi tàu có ăng-ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu trên biển.

Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể chủ động kiểm tra và giám sát được từng tàu cá có lắp thiết bị. Đồng thời, quản lý và cập nhật được nhật trình khai thác các tàu thông qua nhật ký khai thác điện tử được tích hợp vào bộ thiết bị Movimar. Số tàu còn lại là do tự ngư dân đầu tư với các thiết bị như hệ thống VX-1700 đối với các tàu xa bờ, máy liên lạc sóng HF ICOM đối với các tàu đánh bắt ven bờ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm hiện nay hầu hết các thiết bị Movimar được lắp đặt tại các tàu cá đều cũ, hư hỏng do thời gian sử dụng lâu (từ năm 2012 đến nay). Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh đã thu hồi được 70 thiết bị hư hỏng, số còn lại đang tiến hành kiểm tra để thu hồi tập trung gửi Tổng cục Thủy sản sửa chữa, bảo dưỡng.

Theo phản ảnh của một số ngư dân, qua quá trình sử dụng cho thấy máy Movimar khó sử dụng do cần nhiều thao tác phức tạp, bên cạnh đó, âm thanh của máy này khá nhỏ, khi ra khơi gặp gió lớn, ồn ào sẽ không nghe được. Hệ thống này cũng khá tốn điện (ba ngày tốn hết một bình ắcquy 12V) nên với những chuyến biển dài ngày không đủ điện để sử dụng.

Còn theo ngư dân Tôn Ân (ấp Phước Thiện, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), nguyên nhân chính khiến các tàu cá không mặn mà với máy Movimar này là tin nhắn định vị trên biển chỉ có một nơi tiếp nhận được đặt máy chủ tại Hà Nội. Do đó khi cơ quan chức năng Bà Rịa-Vũng Tàu muốn xác định chuyến biển xa bờ của ngư dân phải lấy lại từ Tổng cục Thủy sản nên khá bất tiện và kéo dài thời gian làm các thủ tục hỗ trợ cho tàu cá xa bờ.

Ngoài ra, việc thông tin liên lạc với đất liền và giữa các tàu cá gặp nhiều khó khăn. Các bản tin dự báo thời tiết, gió bão nhiều khi khá chậm so với các loại máy cùng loại khác. Đây là nguyên nhân khiến cho ngư dân vẫn ưa chuộng sử dụng Icom và VX-1.700 hơn do các loại máy này có thể điện đàm trực tiếp về đất liền, rất thuận tiện.

[Khắc phục "thẻ vàng" IUU - Gỡ vướng xác nhận nguồn gốc nguyên liệu]

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết mặc dù lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được triển khai từ lâu nhưng việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, thêm vào đó cơ chế pháp luật chưa hoàn thiện nên cũng hạn chế việc xử lý đối với các tàu cá không gắn hoặc gắn nhưng không bật thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động.

Trong Luật Thủy sản sửa đổi 2017 (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019), đã có quy định bắt buộc các tàu cá có chiều dài trên 15m phải có lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. Hiện tại, trong khi Luật Thủy sản chưa có hiệu lực, để khẩn trương khắc phục “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có quy định bắt buộc các tàu cá phải lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn của thiết bị giám sát hành trình như thế nào phù hợp, thống nhất mẫu trên cả nước. Bởi với các thiết bị do ngư dân đầu tư lắp đặt chỉ chủ tàu theo dõi hoạt động trên biển của tàu mình, còn các cơ quan chức năng không thể kiểm tra, giám sát do không đấu nối vào hệ thống giám sát chung.

Do đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng ban hành mẫu, quy chuẩn, thông số kỹ thuật với thiết bị giám sát hành trình, đồng thời phải thống nhất kết nối việc giám sát giữa các địa phương trong cả nước với nhau.

“Với các thiết bị Movimar bị hư hỏng, địa phương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng sửa chữa, bảo dưỡng để gắn lại cho các tàu cá. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, bổ sung thêm các tính năng mới cho thiết bị này, ví dụ như cung cấp thêm các bản tin dự báo ngư trường; bổ sung khả năng đàm thoại cho thiết bị... để ngư dân có thêm các lợi ích thiết thực hơn nữa và có ý thức sử dụng, bảo quản," ông Trần Văn Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm hiện nay theo quy định, ngư dân muốn ra khơi phải bảo đảm đủ các tiêu chí; trong đó bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, vì vậy để có thể ra khơi ngư dân phải tự đầu tư các loại máy thiết bị phù hợp có giá dao dộng từ vài triệu đồng đến 100 triệu đồng. Nếu sau này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chuẩn quy định với các máy giám sát hành trình, nếu không phù hợp, ngư dân bắt buộc phải lắp thiết bị mới. Việc này sẽ gây tốn kém cho bà con, trong khi tình hình khai thác thủy sản trên biển thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu kỹ, sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý thông qua thiết bị giám sát hành trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục