Năm 2021, Indonesia sẽ tập trung thúc đẩy các kế hoạch phát triển ngành khai khoáng hạ nguồn trong bối cảnh quốc gia này đang chạy đua với thời gian để thích ứng với sự thay đổi dài hạn về nhu cầu quặng, trong đó chuyển từ than đá sang kim loại.
Các công ty khai thác than có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn. Về phần mình, các công ty khai thác quặng kim loại, đặc biệt là các công ty khai thác niken vốn là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu quặng thô của chính phủ, lên lịch nối lại các dự án luyện kim đang bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.
Trong đó, công ty khai thác mỏ quốc doanh MIND ID đang hy vọng có thể hoàn tất một số thương vụ vào đầu năm nay nhằm xây dựng một cơ sở sản xuất pin xe điện (EV) hàng đầu ở Indonesia.
Nhà phân tích đầu tư Dessy Lapagu thuộc công ty chứng khoán Samuel Sekuritas cho biết, niken được kỳ vọng sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho ngành công nghiệp than vốn đóng góp rất lớn cho lĩnh vực khai khoáng.
Trên toàn cầu, giá than và kim loại dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi trong năm nay với tốc độ phản ánh quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới.
Theo báo cáo triển vọng hàng hóa tháng 10/2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), quá trình chuyển đổi này đã bị cản trở bởi đại dịch COVID-19.
Quá trình chuyển đổi sẽ kéo theo sự sụt giảm của các nhà máy nhiệt điện chạy than và sự gia tăng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt, các nhà máy năng lượng tái tạo và các cơ sở hạ tầng điện khí như EV và lưới điện vốn dựa vào các kim loại như niken, đồng và nhôm.
[Indonesia thu hút 13 tỷ USD vào ngành công nghiệp chế biến bauxite]
Theo WB, đại dịch COVID-19 sẽ khiến giá cả và nhu cầu tiêu thụ than đá đi ngang trong thập kỷ tới. Cơ quan này cho rằng giá than sẽ phục hồi từ mức 57,2 USD/tấn hồi năm ngoái lên mức 57,8 USD/tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, theo WB, giá than sẽ khó đạt mức 77,9 USD/tấn của năm 2019 trong khoảng từ nay đến năm 2030 hoặc xa hơn trong bối cảnh các nước hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than mới.
Năm 2020, Indonesia đã công bố một số biện pháp khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến than đá nhằm bảo vệ các công ty khai mỏ địa phương trước sự chuyển đổi nhu cầu dài hạn này và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nỗ lực này hiện đang được dẫn dắt bởi công ty quốc doanh PT Bukit Asam (PTBA) và đòi hỏi chuyển đổi than đá thành các loại hóa chất khác.
Các biện pháp ưu đãi trên được nêu trong Luật Khai khoáng mới, Luật Tạo việc làm và danh sách các Dự án chiến lược quốc gia (PSN) mới. Các nhà quản lý cũng đang có kế hoạch ban hành một quy định của chính phủ (PP) trong năm nay trong đó nêu chi tiết các điều khoản ưu đãi này.
Chủ tịch - Tổng giám đốc Bukit Asam, ông Arviyan Arifin, cho rằng sẽ không còn nước nào sử dụng than đá trong 20-30 năm nữa, đồng thời thừa nhận sự cấp thiết của việc tăng sản lượng khai thác than trung hạn của công ty và đầu tư vào hoạt động chế biến than hạ nguồn.
Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) cho thấy 11 dự án than hạ nguồn hiện đang được xúc tiến, trong đó có 7 dự án khí hóa than nhằm chuyển đổi than đá thành metanol từ đó có thể chế biến thành nhiên liệu, phân bón, nhựa và khí đốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng than đá vẫn sẽ là mặt hàng hấp dẫn trong năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới - tiếp tục phục hồi kinh tế. Than đá chủ yếu được sử dụng để phát điện và các nhà máy điện chạy than đang đóng góp hơn một nửa tổng sản lượng điện của Trung Quốc.
Nhà phân tích Hariyanto Wijaya thuộc công ty chứng khoán Mirae Asset Sekuritas Indonesia dự báo mức tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm 2021 và 2022 sẽ tốt hơn năm ngoái và bất kỳ sự cải thiện nào về mức tiêu thụ điện của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu thụ than toàn cầu.
Số liệu của WB cho thấy đại dịch COVID-19 đã đẩy giá nhôm, đồng và niken đi xuống, mặc dù với mức giảm thấp hơn nhiều so với than đá. WB cho rằng giá các mặt hàng này sẽ phục hồi về mức năm 2019 chậm nhất vào năm 2023 nhờ nhu cầu mới về công nghệ điện khí hóa, chẳng hạn như thép không gỉ (cần sử dụng niken) và máy bay (cần nhôm).
Nhà phân tích ngành khai khoáng Julian Kettle thuộc công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo nhu cầu đối với ba kim loại nói trên cùng với coban và lithium sẽ "bùng nổ" trong hai thập kỷ tới và được thúc đẩy bởi ngành sản xuất EV, trạm sạc, hệ thống pin, tấm pin Mặt Trời, tuabin gió và lưới điện.
Kettle so sánh sự bùng nổ nhu cầu sắp tới với sự bùng nổ nhu cầu sắt ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21 vốn được thúc đẩy bởi các dự án cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo Khảo sát Địa chất mới nhất của Mỹ, Indonesia nằm trong số 15 nhà sản xuất niken, đồng và bauxite hàng đầu thế giới song quốc gia này không phải là nhà sản xuất coban hay lithium lớn.
Trong nỗ lực tận dụng quá trình chuyển đổi, Indonesia đã cấm xuất khẩu tất cả các loại quặng niken từ ngày 1/1 vừa qua nhằm buộc các công ty khai thác niken đầu tư chế biến quặng trong nước. Trước khi có lệnh cấm này, Indonesia là nhà sản xuất quặng niken hàng đầu thế giới.
Số liệu của ESDM công bố tháng 11/2020 cho thấy 31 nhà máy luyện kim mới dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, 17 trong số đó là nhà máy chế biến niken.
Con số này vẫn thấp hơn mức mục tiêu 39 nhà máy luyện kim mới, trong đó có 25 nhà máy chế biến niken, trong bối cảnh các dự án bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch.
Theo WB, niken được dự báo sẽ là mặt hàng tăng giá mạnh thứ hai trong năm tới sau đồng. Giá niken đã sụt giảm từ mức 13.914 USD/tấn năm 2019 xuống còn 13.500 USD/tấn vào năm ngoái, song có thể tăng lên 13.800 USD trong năm nay do nhu cầu tăng cao và lệnh cấm xuất khẩu niken của Indonesia.
Nhà phân tích Hariyanto thuộc công ty chứng khoán Mirae Asset Sekuritas Indonesia cũng dự báo giá niken sẽ tăng trở lại do nhu cầu sản xuất thép cao hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc cho dự án "Vành đai và Con đường," và nhu cầu tăng cao cho sản xuất pin EV.
Ngày 18/12/2020, Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 9,8 tỷ USD với tập đoàn LG của Hàn Quốc để phát triển ngành sản xuất pin EV tích hợp đầu tiên trên thế giới.
Theo tuyên bố của Ủy ban điều phối đầu tư (BKPM), thỏa thuận này gồm các dự án đầu tư chiến lược trong ngành pin EV, trong đó tích hợp các cơ sở khai khoáng, luyện kim, tinh chế, sản xuất tiền chất và cathode (cực âm).
Người đứng đầu BKPM, ông Bahlil Lahadalia, nhấn mạnh rằng khoản đầu tư này sẽ đưa Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tích hợp ngành công nghiệp pin EV, từ khai mỏ đến pin lithium dành cho EV.
Đây là khoản đầu tư lớn nhất kể từ khi bắt bầu Thời kỳ cải cách năm 1998 và sẽ là cơ hội để Indonesia phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19./.