Kháng kháng sinh là thách thức lớn nhất trong điều trị truyền nhiễm

Hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam tham dự Hội thảo khoa học “Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm,” diễn ra ngày 26/10, tại TP.HCM.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

“Với tỷ lệ đề kháng kháng sinh ngày càng cao như hiện nay đã gây ra nhiều thách thức lớn trong công tác điều trị bệnh truyền nhiễm bởi có nhiều loại vi khuẩn đã đề kháng trên 90% kháng sinh, chỉ còn nhạy cảm với Colistin.”

Đây là nhận định của tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học “Thách thức mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm,” diễn ra ngày 26/10.

Một nghiên cứu của nhóm bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2016-2018, có 5 loại vi khuẩn thường gặp nhất và có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa.

Trong các loại vi khuẩn có vi khuẩn A.baumannii kháng hầu hết các loại kháng sinh, kháng luôn cả kháng sinh họ Carbapenem (họ kháng sinh có phổ tác dụng lớn nhất và được ưu tiên sử dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng) và chỉ còn nhạy cảm với Colistin.

Đáng lo ngại, tỷ lệ đề kháng này đang tăng dần qua các năm, đến năm 2018, đề kháng trên 90% với hầu hết các kháng sinh.

Các vi khuẩn khác như K.pneumoniae đề kháng carbapenem trên 30%. Các trực khuẩn gram âm B.pseudomallei, A.eromonas sp., V.vulnificus tuy xuất hiện với tỷ lệ thấp và tỷ lệ đề kháng kháng sinh còn thấp nhưng gây nhiễm khuẩn huyết và viêm mô tế bào nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh được các bác sỹ chỉ ra là do thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân, tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi...

[Thứ trưởng Y tế: Không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như ở Việt Nam]

Ngoài ra là tình trạng lạm dụng chỉ định kháng sinh không cần thiết của một số bác sỹ. Ví dụ, bệnh nhân không bị bệnh lý nhiễm khuẩn những lại được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc chỉ định sử dụng kháng sinh không thích hợp như chọn kháng sinh khởi đầu không phù hợp, chọn sai liều dùng, sai đường dùng...

Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng là tác nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh khi thực tế nhiều cơ sở không thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh trước và trong quá trình điều trị kháng sinh; không tổng kết, thu thập, báo cáo thông tin khi điều trị thất bại; không thực hiện chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện...

Thời gian qua, tại một số bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... đã xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện nhằm giúp các bác sỹ lâm sàng lựa chọn kháng sinh điều trị có hiệu quả hơn, tuy nhiên tỷ lệ gia tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn vẫn có khuynh hướng tiếp tục gia tăng, tỷ lệ xuống thang kháng sinh hợp lý còn chưa được cải thiện đáng kể…

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kháng sinh mới còn chậm đã trở thành thách thức không nhỏ trong công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài chuyên đề quản lý sử dụng kháng sinh, Hội thảo còn có nhiều báo cáo về các vấn đề như chẩn đoán và điều trị HIV; thách thức trong phòng ngừa và điều trị Viêm gan siêu vi C; thách thức trong tiếp cận điều trị Lao ở trẻ em nhiễm HIV…

Hội thảo khoa học về các bệnh lý truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức về bệnh truyền nhiễm được báo cáo nhằm nâng cao chất lượng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý truyền nhiễm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục