Khi Philippines dỡ bỏ các rào cản pháp lý để thu hút đầu tư

Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký một đạo luật tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà bán lẻ nước ngoài mở cửa hàng tại nước này, được ca ngợi như một biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh.
Khi Philippines dỡ bỏ các rào cản pháp lý để thu hút đầu tư ảnh 1Một góc Philippines. (Nguồn: Philstar.com)

Theo Đài Sputnik/asia.nikkei.com, Quốc hội Philippines đã mở cửa nền kinh tế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội mới để mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở Philippines.

Ngày 2/2, Quốc hội Philippines đã dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực ngoại trừ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Lần đầu tiên viễn thông, sân bay, hàng không, đường sắt, đường cao tốc, thu phí đường bộ, các cơ sở hậu cần khác như sản xuất, cung cấp điện, vận tải biển là những lĩnh vực hoàn toàn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào cạnh tranh.

Người nước ngoài có thể sở hữu hoàn toàn các công ty Philippines trong các ngành này. Trước đây, cổ phần của họ bị giới hạn ở mức 40%, đồng thời truyền tải, phân phối điện, cấp thoát nước, cảng biển, đường ống dẫn dầu và các phương tiện giao thông công cộng được xếp vào các lĩnh vực đóng cửa đối với đầu tư nước ngoài.

Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký một đạo luật tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà bán lẻ nước ngoài mở cửa hàng tại nước này. Luật này đã được những người ủng hộ ca ngợi như một biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh.

Đạo luật Cộng hòa số 11595 sửa đổi Đạo luật Tự do hóa Thương mại Bán lẻ năm 2000 bằng cách giảm yêu cầu vốn thanh toán đối với các công ty nước ngoài từ 2,5 triệu USD xuống còn 490.000 USD.

Các rào cản khác như giá trị ròng bắt buộc, số lượng chi nhánh và các điều kiện về hồ sơ theo dõi cũng được loại bỏ.

[Kinh tế Philippines tăng trưởng cao nhất trong hơn 30 năm]

Luật này là 1 trong 3 đạo luật quan trọng nhằm mở cửa nền kinh tế Philippines, đã được thúc đẩy bởi đội ngũ kinh tế của ông Duterte. Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez cho biết luật thương mại bán lẻ trước đây "ưu đãi một cách không công bằng cho các doanh nghiệp lớn, ngăn cản các nhà đầu tư nhỏ như các công ty khởi nghiệp tham gia thị trường bán lẻ Philippines và việc tuân thủ phức tạp đối với các nhà bán lẻ nước ngoài."

Ngành bán lẻ địa phương đã phản đối việc nới lỏng, nhưng ông Duterte, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 tới, coi đây là luật ưu tiên để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo Ngân hàng trung ương Philippines, nước này đã nhận được 83,5 triệu USD vốn FDI trong lĩnh vực bán lẻ vào năm 2020, tương đương 6% tổng vốn đầu tư.

Yêu cầu vốn thấp hơn của luật mới cho phép người chơi lớn nhỏ thử nghiệm thị trường Philippines với mức độ tiếp xúc tối thiểu.

Ông John Forbes, cố vấn cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ tại Philippines, nói: "Sửa đổi này là một cuộc cải cách quan trọng và trong thời gian tới sẽ thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài mới."

Còn ông Chris Nelson, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Anh tại Philippines, cho biết luật này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Manila trong nỗ lực tìm kiếm đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia Đông Nam Á này.

Nhưng Hiệp hội các nhà bán lẻ Philippines (PRA) lại tỏ ra nghi ngờ. Phó chủ tịch PRA Roberto Claudio cho biết: “Với mức đầu tư tối thiểu 500.000 USD, tôi nghi ngờ liệu chính phủ có thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài đáng kể hay không."

Theo ông Claudio, các đại gia bán lẻ nước ngoài như đại siêu thị Walmart và Tesco trước đây đã tìm đến Philippines. Nếu họ muốn vào, tất cả các nhà bán lẻ nước ngoài này sẽ vào bất cứ lúc nào.

Ông Claudio tin rằng các công ty này không ngại yêu cầu về vốn mà ngại các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực… Do đó, kinh doanh ở Philippines không hấp dẫn lắm.

Trong bài phát biểu trước quốc dân vào mùa Hè năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi tự do hóa cơ chế đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhà phân tích kinh tế độc lập Nga Mikhail Belyaev trong cuộc phỏng vấn với Sputnik cho biết sẽ không có vấn đề gì trong việc thông qua các sửa đổi đối với luật được Quốc hội phê chuẩn: “Cùng với những thứ khác, tự do hóa cơ chế đầu tư nước ngoài được kết nối với chiến dịch bầu cử tổng thống. Ông Duterte từng bị chỉ trích vì các thỏa thuận đầu tư bị phá vỡ mặc dù nền kinh tế đang rất cần tín dụng từ bên ngoài. Nghị viện loại bỏ các hạn chế pháp lý, thực hiện một bước tiến đối với doanh nghiệp và cử tri nói chung, vì các sửa đổi được thông qua sẽ kích thích tinh thần kinh doanh. Điều này sẽ củng cố vị trí của những ứng cử viên mà ông Duterte ủng hộ sau khi ông ấy kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Đúng vậy, cho đến tháng 5, khi cuộc bầu cử được tổ chức, còn quá ít thời gian để cảm nhận những thay đổi thực sự. Trong khi đó, rõ ràng là cử tri không thể không phản ứng với các biện pháp mở cửa nền kinh tế cho tư bản nước ngoài. Nhưng tuyên bố vốn nước ngoài được chào đón trong nước là chưa đủ. Do đó, việc tạo điều kiện thực sự cho dòng vốn nước ngoài có thể trở thành vấn đề và thách thức nghiêm trọng đối với Philippines sau cuộc bầu cử tổng thống."

Hợp tác đầu tư Philippines-Trung Quốc trị giá 30 tỷ USD

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư gần 30 tỷ USD. Người ta lo ngại sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào việc xây dựng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cơ sở năng lượng và thông tin liên lạc.

Đồng thời, tham nhũng cục bộ, chủ yếu ở miền Nam Philippines, trong mọi trường hợp, không phải là trở ngại duy nhất đối với việc thực hiện các dự án. Luật pháp không hoàn hảo và sự hiện diện của nhiều rào cản đối với việc hợp tác đầu tư đã làm công việc bị cản trở. Quốc hội Philippines vừa sửa đổi những luật đã lỗi thời của 85 năm trước trong lĩnh vực này.

Rõ ràng, một cơ hội mới giờ đây có thể mở ra cho sự phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng và hợp tác viễn thông giữa Trung Quốc và Philippines.

Luật mới sẽ cho phép Trung Quốc củng cố vị thế của mình trên thị trường Philippines trong những lĩnh vực mà nước này có công nghệ tiên tiến và nhiều kinh nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục