Khu ủy Tây Bắc - “địa chỉ đỏ” trong kháng chiến chống Pháp

Khu ủy Tây Bắc là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng góp phần làm nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khu ủy Tây Bắc - “địa chỉ đỏ” trong kháng chiến chống Pháp ảnh 1Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Tháng 5/1952, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quyết định tách bốn tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La khỏi Liên khu Việt Bắc và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu XX, là tiền thân của Khu ủy Tây Bắc.

Bản Chanh thuộc xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) là địa chỉ được lựa chọn đặt trụ sở (từ tháng 11/1952 đến tháng 12/1954). Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt của lịch sử địa phương và khu vực, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần làm nên những chiến công vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Tây Bắc đợt hai và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Vùng Văn Chấn (Yên Bái), được biết đến là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng với những địa danh đã đi vào lịch sử nước nhà như Căng-Đồn Nghĩa Lộ, đèo Din, đèo Lũng Lô, Đá Xô, Đại Lịch, Thượng Bằng La… Đặc biệt, trong số đó là Bản Chanh là nơi đã viết nên những trang sử hào hùng trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước.

Xã Phù Nham nằm bên Quốc lộ 32, từ trung tâm xã đi vào Bản Chanh chừng hơn 1km. Đây là địa điểm đảm bảo yếu tố “địa lợi, nhân hòa," "tiến có thể đánh, lui có thể giữ", rất thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch và đặc biệt là huy động lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 11/1952, Khu XX chuyển trụ sở từ làng Đòng Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái) về xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Để bảo đảm an toàn cho cơ quan và chuẩn bị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11/1953, Trung ương đã cho di dời toàn bộ Khu ủy từ xã Hưng Khánh vào đóng tại bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn.

Tại đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp, đồng bào các dân tộc xã Phù Nham đã hăng hái nhiệt tình ủng hộ lương thực, thực phẩm, ngày công, gỗ, tre, nứa dựng nhà làm việc (giống như nhà dân) dọc bờ ngòi Nhì để bảo đảm bí mật.

Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ. Đồng thời, đồng bào các dân tộc nơi đây đã thực hiện tốt việc giữ bí mật, an toàn cho Khu ủy với phương châm “3 không”: Không biết, không thấy, không nói.

Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí lương thực để nổi dậy gây rối ở một số địa phương như Sơn La, Lào Cai, 2 xã Xà Hồ, Bản Mù (huyện Trạm Tấu).

Các đối tượng phản động người Mông ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn), Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) đã bắt liên lạc với nhau nhằm đánh chiếm vùng lòng chảo Mường Lò, cũng bị lực lượng của ta ngăn chặn kịp thời…

Trong Chiến dịch Tây Bắc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Khu ủy Tây Bắc đã lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương cùng với quân chủ lực đồng loạt tiến công tiêu diệt địch ở Phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13A nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ; tiêu diệt 500 tên địch, bắt sống trên 1.000 tên; trong đó, có 300 lính Âu Phi, nhiều sỹ quan chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên (Sơn La); thu hàng nghìn súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.

Đặc biệt, để huy động, động viên sức người sức của phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương do đồng chí Lê Trung Đình, Thường vụ Khu ủy phụ trách.

Với ý chí “quân với dân một lòng,” Khu ủy Tây Bắc không chỉ đảm bảo hậu cần tại chỗ mà còn huy động các lực lượng bảo đảm giao thông, cung cấp 7.500 tấn gạo, 358 tấn thịt, đóng góp hàng triệu ngày công làm đường để tải gạo, chuyển thương… góp phần quan trọng trong chiến thắng vang dội của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và đất nước nên Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại. Mặc dù chỉ đóng chốt tại xã Phù Nham trong một thời gian ngắn nhưng Khu ủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và huy động các lực lượng, các thành phần xã hội, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đoàn kết, hăng hái tham gia tiễu phỉ, kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau 60 năm, cơ sở vật chất, hiện vật, kho tàng, lán trại… của Khu ủy Tây Bắc giờ chỉ là một bãi đất trống. Các hiện vật tại chỗ tuy không còn, nhưng với ý thức giữ gìn, tôn trọng thành quả cách mạng, ghi dấu truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của quê hương, huyện Văn Chấn đã quy hoạch Khu ủy Tây Bắc trên diện tích 1.836m2, trong đó hơn 500m2 đất do nhân dân hiến tặng.

Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Khu ủy Tây Bắc và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý, bảo tồn.

Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Yên Bái (25/9/1958-25/9/2013) và 66 năm thành lập Đảng bộ huyện, huyện Văn Chấn cũng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu ủy Tây Bắc (1952-1954).

Thầy Nguyễn Quang Khải, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Nham chia sẻ: "Các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh nhà trường rất vinh dự, tự hào khi được sống, làm việc và học tập ngay cạnh khuôn viên di tích. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức các tiết học ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh."

Để làm tốt công tác bảo tồn và khai thác giá trị của di tích, ông Lê Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái khẳng định ngay trong năm nay, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ và Bia lịch sử; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của khu di tích đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Cùng với đó, đơn vị cũng đang tích cực xin chủ trương để lập Dự án quy hoạch tổng thể và chi tiết việc tôn tạo, phục dựng lại một số hạng mục như: nơi làm việc, trồng cây xanh, dựng nhà sàn để trưng bày hiện vật, tranh ảnh tư liệu… từng bước hoàn thiện quy hoạch khu di tích theo Luật Di sản để nơi đây mãi là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục