Khủng hoảng nhập cư khiến các nước châu Âu ngày càng chia rẽ

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu hiện nay có thể đẩy nước Đức đến chỗ mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia láng giềng ở phía Đông.
Khủng hoảng nhập cư khiến các nước châu Âu ngày càng chia rẽ ảnh 1Quang cảnh cuộc tuần hành của những người ủng hộ chủ trương tiếp nhận người di cư tại Dresden (Đức) ngày 29/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/9, tờ Thời báo Tài chính của Anh đã đưa ra nhận định rằng cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu hiện nay có thể đẩy nước Đức đến chỗ mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia láng giềng ở phía Đông.

Như vậy, hố sâu ngăn cách giữa Đông Âu và Tây Âu ngày càng được nới rộng ra với nhiều vấn đề gây bất đồng, chia rẽ mà khó có thể hàn gắn trong "một sớm, một chiều."

Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã được cả thế giới tung hô khi bà tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận hàng chục ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và bạo lực ở Syria, Iraq, Afghanistan.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng chỉ trong vòng một tuần qua. Các nhà ngoại giao ở Đông Âu - nơi Đức đang hậu thuẫn cho kế hoạch tiếp nhận người tị nạn, bắt đầu lên tiếng chỉ trích về thái độ trịnh thượng và cứng rắn của Berlin.

Nhiều người còn cho rằng cách hành xử theo kiểu "chiếu trên" của Đức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vốn đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường an ninh châu Âu.

Theo báo trên, cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt ở khu vực biên giới các nước châu Âu, sau khi Đức siết chặt kiểm soát tại các cửa ngõ biên giới nước này.

Ngày 17/9, cảnh sát chống bạo động đã xô xát với người nhập cư ở Croatia. Hơn 7.000 người nhập cư từ Hungary đã tràn vào quốc gia nhỏ bé này, khiến tình hình thêm phức tạp và bất ổn.

Báo này nhận định trong bối cảnh hiện nay, Đức sẽ vấp phải những thử thách đáng kể khi thúc đẩy kế hoạch giải quyết vấn nạn trên theo ý tưởng do Berlin đề xuất.

Nhiều người gọi đề xuất phân bổ hạn ngạch về người nhập cư là "kế hoạch của Đức."

Thậm chí, những đồng minh thân cận nhất của Đức ở châu Âu cũng không giấu được tâm trạng hoài nghi về đường hướng sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục