Khủng hoảng thông tin thời COVID: Cần chế tài để dẹp 'virus' tin giả

Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là yêu cầu cấp bách hiện nay bởi 'virus' tin giả lây lan nhanh và nguy hiểm cũng không kém gì SARS-CoV-2.
Khủng hoảng thông tin thời COVID: Cần chế tài để dẹp 'virus' tin giả ảnh 1Hội thảo khoa học quốc tế bàn giải pháp tháo gỡ khủng hoảng thông tin trong đại dịch. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện cũng là lúc “virus” tin giả bắt đầu phát tán, lây lan và không kém phần nguy hiểm so với virus SARS-CoV2.

Tại hội thảo quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 9/11, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định chúng ta không chỉ chiến đấu với một đại dịch mà còn phải đối mặt với nạn dịch thông tin bao gồm tin giả và những thông tin phản khoa học, gây hoang mang, kích động công chúng.

‘Nhiệm vụ kép’ của báo chí

Ông Phạm Minh Sơn từng có dịp tiếp xúc với những bệnh nhân COVID-19 phải hứng chịu “búa rìu dư luận” vì “tội” mắc bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Không ít tin giả đã được thêu dệt xung quanh họ, để lại sang chấn tâm lý lâu dài.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhất là trên môi trường truyền thông xã hội, ranh giới giữa tin thật và tin giả trở nên mong manh. Chính vì vậy, chúng ta chứng kiến tình trạng tin giả, thông tin sai lệch lan tràn trên mạng xã hội và trong xã hội.

Theo ông Sơn, sự hỗn độn, phức tạp của thông tin về dịch bệnh là thách thức to lớn đối với nhà báo trong hoạt động kiểm chứng thông tin. Đó cũng là thách thức đối với khả năng xử lý, đánh giá và phân tích thông tin của công chúng.

“WHO cũng đã thừa nhận khái niệm ‘infodemic’ với ý nghĩa là ‘khủng hoảng thông tin’ hay ‘nạn dịch thông tin.’ Cuộc khủng hoảng này gây ra những trở ngại to lớn cho công tác phòng, chống dịch ở nhiều các quốc gia trên thế giới. Thông tin sai lệch, phản khoa học về dịch bệnh gây thêm sự hoang mang cho công chúng đồng thời kích động những hành vi sai lầm, thậm chí cực đoan,” tiến sỹ Phạm Minh Sơn chia sẻ.

Ông cho rằng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã kéo theo cuộc khủng hoảng thông tin, đe dọa niềm tin của người dân vào các thiết chế xã hội như y tế, báo chí hay hệ thống chính trị.

“Khi hiểu biết về dịch bệnh chưa đầy đủ, chính xác, công chúng có thể không biết bảo vệ bản thân và cộng đồng đúng cách. Họ cũng có thể bị đánh lừa, dẫn dụ đến mức tiếp tục phát tán những thông tin sai lệch qua truyền thông truyền miệng hay mạng xã hội,” ông Sơn phân tích.

Khủng hoảng thông tin thời COVID: Cần chế tài để dẹp 'virus' tin giả ảnh 2Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân phát biểu. (Ảnh: Đăng Khoa)

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, cho rằng các chuyên gia trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về sự sang chấn tâm lý của con người do những áp lực mà đại dịch mang lại.

“Chúng ta đang đối phó với thách thức dịch bệnh thế kỷ, thiệt hại kinh tế và con người có thể tính đếm được, nhưng những hệ lụy, tác động không nhìn thấy của nó là khôn lường. Đặc biệt, dịch bệnh kéo theo phong tỏa, giãn cách đã làm biến đổi sâu sắc thế giới của chúng ta, từ đời sống văn hóa kinh tế cho đến thói quen, tập quán, sinh hoạt, ứng xử,” nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Theo Tổng biên tập Báo Nhân Dân, thông tin truyền thông vừa phải phản ánh thế giới đang thay đổi chóng mặt đó đồng thời buộc phải thay đổi, thích ứng để tồn tại.

“Vấn đề của báo chí là phải làm gì để nhận dạng, ngăn ngừa để không rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng thông tin, làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác hại mà khủng hoảng thông tin gây ra. Nhà báo cũng có ‘nhiệm vụ kép’ là sản xuất thông tin chính thống, phục vụ độc giả đồng thời phải đấu tranh chống lại làn sóng tin giả,” ông Lê Quốc Minh nói.

“Chìa khóa” quản trị khủng hoảng thông tin

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý nhiều vụ đăng tin giả, tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam với sứ mệnh lan tỏa sự thật. Các cơ quan báo chí đã tăng cường hoạt động kiểm chứng dữ liệu nhằm bảo đảm, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho công chúng.

Đây là những nỗ lực cần thiết để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, tích cực vì lợi ích của từng cá nhân và vì sự phát triển của đất nước.

[Bàn về giải pháp quản trị khủng hoảng thông tin thời đại địch COVID-19]

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng đại dịch thông tin (infodemic) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kiểm chứng thông tin.

“Cần phải coi kiểm chứng thông tin là trách nhiệm xã hội và nghiệp vụ của cơ quan báo chí. Nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng và công cụ để kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cung cấp cho công chúng. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường đầu tư cho công nghệ hỗ trợ hoạt động kiểm chứng thông tin,” ông nói.

Thực tế thời gian qua, Báo Nhân Dân đã chứng tỏ khả năng đổi mới thích ứng, thể nghiệm mạnh mẽ trên tất cả loại hình báo chí, báo điện tử, báo viết, phiên bản Radio Nhân Dân, trên các nền tảng công nghệ hiện đại hướng mạnh tới tất cả các tầng lớp bạn đọc.

“Thực tế đổi mới đó khẳng định quan điểm của chúng tôi là đúng đắn, đó là thông tin phải đem lại niềm tin cho công chúng, lấy mục tiêu chân xác, nhanh nhạy, đúng đắn, có trách nhiệm, vì niềm tin của bạn đọc làm lẽ tồn tại. Đó chính là chìa khóa để quản trị khủng hoảng thông tin nói chung, khủng hoảng thông tin trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nói riêng,” Tổng biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ.

“Hiến kế” cho các cơ quan chức năng kiểm soát tin giả, tiến sỹ Phạm Thị Hoa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng cần có cơ chế kiểm soát và xử lý tin giả ở Việt Nam từ cách tiếp cận thể chế.

Khủng hoảng thông tin thời COVID: Cần chế tài để dẹp 'virus' tin giả ảnh 3Website giả mạo báo Tuổi trẻ. (Ảnh: VAFC)

Bà cho rằng cần nghiên cứu tiến hành sửa đổi Luật An ninh mạng năm 2018 theo hướng có quy định cụ thể chế tài liên quan đến việc sản xuất tin giả, phát tán tin giả cũng như sử dụng tin giả. Nhà chức trách cần sớm ban hành quy định về quy trình xử lý tin giả và phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan trong kiểm soát và xử lý tin giả.

“Việc thiếu các cơ quan hoặc thiếu chuyên nghiệp trong thực hiện công việc cũng như việc không định rõ mối quan hệ phân công, phối hợp trong kiểm soát và xử lý tin giả ở Việt Nam hiện nay cũng là một khó khăn đối với việc giải quyết có hiệu quả vấn đề này. Sự ra đời của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) tuy đã là một bước tiến lớn về nhận thức và thực tiễn nhưng để đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa trong công tác này thì vẫn cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ hơn nữa,” tiến sỹ Phạm Thị Hoa cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị khủng hoảng thông tin từ Hàn Quốc, tiến sỹ Uhm Seung Yong, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), cũng cho biết cần thể chế hóa truyền thông.

Cụ thể, ông cho rằng thông tin về đại dịch cần cập nhật công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy trình thường nhật, ví dụ bản tin sáng, trưa, chiều cần được cập nhật một cách đều đặn.

“Báo chí Hàn Quốc không chỉ cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ mà còn quan tâm đến niềm tin và cảm xúc của độc giả. Chúng tôi cố gắng đưa vào đó những câu chuyện chân thực để thông tin dễ đi vào lòng người,” ông chia sẻ.

Ông cho hay Hàn Quốc và Việt Nam đều đang phải chiến đấu với đại dịch và cả cuộc khủng hoảng thông tin liên quan đến COVID-19. Những thông tin sai lệch, bịa đặt, bóp méo sự thật sẽ ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của chính phủ và người dân.

Tiến sỹ chia sẻ thông tin chính thống cần phải quan tâm đến nhóm người yếu thế trong xã hội, đảm bảo rằng nhóm người lớn tuổi và nhóm người không sử dụng các phương tiện kỹ thuật số cũng được tiếp cận tin tức.

“Báo chí cần xây dựng được sự tin tưởng đối với người dân, cần có quy trình phản hồi nhanh chóng thì tự khắc tin giả sẽ không thể len lỏi trong cộng đồng,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục