Kịch bản về cuộc chuyển giao quyền lực vĩ đại tại Campuchia

Một số nhà phân tích tin rằng Hun Sen sẽ ưu tiên chuyển giao quyền lực cho con trai trước khi Campuchia bước vào chu kỳ bầu cử mới tiềm tàng bất trắc, với cuộc bầu cử xã/phường dự kiến năm 2022.
Kịch bản về cuộc chuyển giao quyền lực vĩ đại tại Campuchia ảnh 1Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. (Nguồn: nikkei)

Hun Sen, nhà lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm của Campuchia được cho là sẽ vượt qua mối đe dọa của phe đối lập, khôi phục quan hệ với Mỹ và bắt đầu cuộc chuyển giao triều đại trong năm 2020.

Bài phân tích trên Asia Times mới đây cho rằng chính trường Campuchia quá ồn ào trong những năm qua, tới mức thật khó dự báo những gì sắp xảy ra trong vài tuần tới. Nhưng người ta không phải mất quá lâu để nhận ra dấu hiệu sẽ xuất hiện trong năm 2020.

EBA chưa có tác động lập tức

Vào ngày 15/1 tới, rút cuộc thủ lĩnh đối lập Kem Sokha sẽ ra hầu tòa sau khi bị bắt và buộc tội phản quốc năm 2017 trong một sự kiện được “thổi lên” với nhiều tội danh nhằm lật đổ chính phủ.

Các nhà quan sát và phân tích cho rằng cựu Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha sẽ bị kết tội chống phá nhà nước và sau đó sẽ mau chóng được Thủ tướng Hun Sen trao lệnh ân xá của Hoàng gia, với điều kiện thủ lĩnh đối lập này không quay trở lại chính trường.

Một kết cục như vậy có thể hoặc không thể giảm bớt chỉ trích quốc tế nhằm vào nhà lãnh đạo Hun Sen khi ông này giải tán CNRP, lực lượng từng là đảng đối lập chính tại Campuchia.

Vào đầu tháng 2/2020, Liên minh châu Âu (EU) sẽ quyết định liệu có rút Campuchia khỏi danh sách hưởng EBA (Tất cả trừ vũ khí), ưu đãi thương mại cho phép quốc gia xuất khẩu hàng miễn thuế quan và hạn ngạch sang các thị trường EU.

Sự kiện này sẽ là dấu cực điểm cho tiến trình đánh giá kéo dài một năm qua của EU đối với thành tích dân chủ và nhân quyền của Campuchia, cũng như những mối quan ngại lớn hơn về lao động và tự do ngôn luận.

[Dự báo thế giới 2020: Viễn cảnh chính trị của Campuchia]

Josep Borrell, tân Ngoại trưởng trên thực tế của EU, nói với người đồng cấp Campuchia hôm 15/12/2019 bên lề Cuộc gặp thượng đỉnh Á-Âu rằng Campuchia “cần nhiều nỗ lực hơn nữa” để duy trì quy chế EBA.

Thủ tướng Hun Sen đáp trả rằng “nếu họ muốn cắt bỏ, hãy cắt bỏ luôn.” Hiện chưa thể đánh giá ngay tác động của việc hủy bỏ EBA sẽ nghiêm trọng tới đâu với cả nền kinh tế Campuchia.

Do EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất và sinh lời nhất của Campuchia, việc này chắc chắn sẽ làm suy yếu khu vực xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt là may mặc, ngành công nghiệp quan trọng nhất của Campuchia.

Nhưng ngay cả khi EU hủy ưu đãi này, các mức thuế quan sẽ chưa bị áp cho tới tận cuối năm 2020, vậy nên tác động sẽ chưa thể xảy ra ngay lập tức. Chính phủ Campuchia trong khi đó đã hứa sẽ trợ giá cho các chi phí thương mại cao hơn và có kế hoạch nhanh chóng và lâu dài thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Năm khai tử CNRP?

Hơn nữa, chính sách của Mỹ ngày càng xa rời EU trong mối quan hệ với Campuchia. Washington có cách tiếp cận ít ồn ào và tinh vi hơn kể từ khi tân Đại sứ Mỹ W. Patrick Murphy đến Phnom Penh hồi tháng 8/2019.

Một số nhà phân tích đã dự báo động thái nối lại quan hệ hữu nghị dứt khoát hơn trong năm 2020 bởi Mỹ có mục tiêu làm suy giảm mối quan hệ phụ thuộc giữa Campuchia và Trung Quốc.

Điều này sẽ là hành động “rút phép thông công” đối với các nhà lãnh đạo CRNP lưu vong và các thành viên đã tìm cách vận động Mỹ có phản ứng cứng rắn hơn với hành động trấn áp của Thủ tướng Hun Sen.

Cuối năm 2019, thủ lĩnh CNRP lưu vong Sam Rainsy đã thất bại trong việc nỗ lực về nước được tuyên truyền mạnh mẽ cùng các quan chức khác trong đảng khi bị Thủ tướng Hun Sen phong tỏa toàn bộ các đường bộ và đường hàng không vào Campuchia.

Cuối cùng, bằng cách đưa Kem Sokha ra tòa vào giữa tháng 1/2020, một bản án cho nhân vật này sẽ khép lại hai năm giam giữ y và cho thấy hình ảnh rõ ràng hơn về kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen.

Điều đó cho thấy khả năng CNRP được phép cải cách, hoặc Sam Raisy và những nhân vật quan trọng khác trong đảng trở về nước, là ngày càng vô vọng trừ phi họ từ bỏ những tham vọng chính trị của mình.

Nếu kịch bản diễn ra đúng như vậy, 2020 sẽ là năm khai tử cho CNRP.

Lộ trình được tính toán kỹ càng

Với bàn tay kiểm soát chặt chẽ cả ở trong và ngoài nước, một số chuyên gia suy đoán rằng Thủ tướng Hun Sen đang chuẩn bị cho chuyển giao triều đại quyền lực cho con trai cả là Hun Manet.

Sau khi được bổ nhiệm làm Phó tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) năm 2018, những kế hoạch đưa Hun Manet lên “bệ phóng” làm nhà lãnh đạo quốc gia được cho là đã diễn ra khá bài bản. Hun Manet cũng được bầu vào Ủy ban Thường vụ đảng Nhân dân Campuchia (CPP), cơ quan ra quyết định quyền lực của CPP.

Cho dù Hun Manet chỉ là nhân vật cấp cao thứ nhì trong RCAF, viên tướng từng được đào tạo tại Học viện quân sự West Point (Mỹ) vẫn đại diện Campuchia trong phần lớn các chuyến thăm nước ngoài chính thức của RCAF.

Việc công du hơn một chục nước trong năm 2019 để gặp gỡ lãnh đạo quân đội các nước đã tạo cho Hun Manet cơ hội giao thiệp với các lãnh đạo khu vực, các mối quan hệ cá nhân sẽ phục vụ tốt cho ông nếu sau này trở thành lãnh đạo quốc gia.

Tuy nhiên, ở trong nước, cũng chưa hẳn Hun Manet đã trở thành thành viên lãnh đạo CPP được tín nhiệm hoàn toàn, hay một hình ảnh đủ nổi bật trước công chúng để đảm bảo kế vị vương triều của người cha một cách êm thấm và không gặp thách thức.

Năm 2020 có thể là một năm thay đổi. Ví dụ, trong vòng 3 ngày của tháng 12/2019, Hun Manet đi dự khánh thành một nhà máy, trao chứng chỉ tại lễ tốt nghiệp ở một trường đại học, chủ trì một sự kiện của Tổ chức Chữ thập đỏ Campuchia và phát biểu với các sinh viên Campuchia tại Australia và New Zealand.

Ông Hun Sen đã chủ trì những sự kiện như thế này trong nhiều thập kỷ qua và một số nhà phân tích dự báo, dần dần thì Hun Manet sẽ lấp đầy vai trò đó theo một lộ trình từng bước, được đo đếm kỹ càng.

Trên thực tế, một số người cho rằng Hun Manet đã có thể bắt đầu đảm đương một số nhiệm vụ chính thức của cha mình trong năm tới.

Trang Facebook cá nhân của Hun Manet, giờ được coi là điều kiện quan trọng tiên quyết cho bất kỳ nhà lãnh đạo Campuchia nào, hiện có hơn 671.000 người theo dõi.

Con số này chỉ là rất nhỏ so với trang Facebook của người cha Hun Manet nhưng vẫn cao hơn hầu hết các quan chức CPP. So sánh ví dụ với Sar Kheng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia và là quan chức quyền lực thứ hai trong CPP sau Thủ tướng Hun Sen, trang Facebook cá nhân cũng chỉ có 190.445 người theo dõi.

Nhưng rõ ràng, để thuyết phục được toàn bộ nhóm ưu tú của CPP còn khó khăn hơn nhiều việc kết bạn trên Facebook.

Một số nhà phân tích tin rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ ưu tiên việc chuyển giao quyền lực cho con trai trước khi Campuchia bước vào chu kỳ bầu cử mới tiềm tàng bất trắc, với cuộc bầu cử xã/phường dự kiến vào năm 2022 và tổng tuyển cử trong năm 2023.

Nếu thực sự đây là kế hoạch của Hun Sen thì Hun Manet có thể sẽ đảm nhận một ghế trong Quốc hội vào khoảng năm 2020, một bước đi cần thiết để trở thành Thủ tướng.

Việc đánh đổi ghế là khá phổ biến và không cần bầu cử nếu những đảng viên tích cực của CPP nhất trí, cho dù một động thái như thế này sẽ khiến kế hoạch về trò chơi kế vị phải đi xa hơn trước khi được công bố chính thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục