Kiểm soát doanh nghiệp khai khoáng vẫn còn theo kiểu ‘thả gà ra đuổi’

Ông Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết, chỉ số quản trị tài nguyên ở Việt Nam hiện hiện vẫn ở mức yếu, đứng vị trí thứ 45 trên thế giới.
Kiểm soát doanh nghiệp khai khoáng vẫn còn theo kiểu ‘thả gà ra đuổi’ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại Hội thảo “Thúc đẩy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam” do Liên minh khoáng sản tổ chức ngày 30/1, ông Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết, chỉ số quản trị tài nguyên ở Việt Nam hiện hiện vẫn ở mức yếu, đứng vị trí thứ 45 trên thế giới.

Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn tới việc quản trị tài nguyên của Việt Nam còn kém là do khoảng cách lớn giữa các chính sách và việc thực thi, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, quản lý nguồn thu, quản lý ngân sách nhà nước…

“Về luật liên quan khoáng sản, nhìn thì thấy khung luật quy định tương đối đầy đủ, nhưng chất lượng lại có vấn đề. Nhà nước kiểm soát dựa trên khai báo của doanh nghiệp, như vậy nhà nước vẫn nắm đằng lưỡi và quản lý theo kiểu thả gà ra đuổi”, ông Tú nói thêm.

Trước thực trạng nêu trên, ông Tú kiến nghị, Việt Nam cần thiết phải minh bạch thông tin trong quản lý và sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI), một trong những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài nguyên thiên nhiên là một trong những công cụ hữu hiệu.

“Mặc dù Việt Nam đã tiếp cận EITI gần 10 năm, nhưng đến nay bộ công cụ quản trị minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng vẫn chưa thể thực thi,” ông Tú chia sẻ thêm.

[Bộ Tài nguyên chỉ ra 6 thách thức liên quan đến đất đai, môi trường]

Kết quả đánh giá của chỉ số quản trị tài nguyên 2017 cũng cho thấy, có tới 66/81 quốc gia được đánh giá là hạn chế, yếu kém hoặc thất bại trong quản trị công nghiệp khai thác. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 45, thuộc nhóm yếu, lợi ích lâu dài từ hoạt động khai khoáng rất mờ nhạt.

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác yếu kém, lãng phí nhiều nguồn tài nguyên và không đầu tư công nghệ cho thấy rủi ro về chính sách trong ngành khoáng sản là lớn nhất trong các ngành.

Bên cạnh đó, chính sách liên quan thay đổi thuế xuất thường xuyên cũng đã ảnh hưởng tới ngành khoáng sản, trong khi đó ngành này là ngành cần đầu tư lâu dài.

Chính vì vậy, ông Đức đề nghị, nhà nước cần điều tra địa chất cơ bản, ngay lập tức phải thông báo phát hiện mỏ phải công khai, không được che dấu tài sản và đến khi đưa vào quy hoạch, chưa cấp phép ngay thì cần ban hành kế hoạch đến thời điểm nào sẽ tiến hành cấp phép khai thác mỏ đó.

Đặc biệt, trong việc mua bán khoáng sản cần quy định cụ thể, người mua bản trình được khoáng sản mua ở nguồn mỏ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không thì quy vào việc mua khoáng sản không có nguồn gốc xuất xứ, để ngăn chặn doanh nghiệp khoáng sản bán chui ra nước ngoài, gây thất thoát tài nguyên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục