Kinh tế Anh giảm tháng thứ hai liên tiếp làm dấy lên nỗi lo suy thoái

GDP của Anh giảm 0,3% trong tháng 4/2022, sau khi giảm 0,1% hồi tháng Ba; trong lúc lạm phát thường niên đang ở mức 9%, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu người dân nước này.
Kinh tế Anh giảm tháng thứ hai liên tiếp làm dấy lên nỗi lo suy thoái ảnh 1Khách hàng tại một nhà hàng ở thủ đô London (Anh), ngày 10/2/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng 4/2022, kinh tế Anh tiếp tục suy giảm tháng thứ hai liên tiếp chủ yếu do ảnh hưởng của lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Theo các số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,3% trong tháng Tư, sau khi giảm 0,1% trong tháng Ba. Sản lượng dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều giảm.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, đây là lần đầu tiên mọi lĩnh vực kinh tế của Anh đều tăng trưởng âm tính theo tháng, kể từ tháng 1/2021. Những dữ liệu trên càng làm dấy lên lo ngại rằng kinh tế Anh có thể rơi vào ngưỡng suy thoái. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh lưu ý rằng các ngành tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng của tình trạng lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Những dữ liệu trên được công bố trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Anh (BoE) chuẩn bị tăng lãi suất chủ chốt trong cuộc họp diễn ra ngày 16/6 nhằm kiềm chế tốc độ lạm phát.

[Chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát tại Anh cao nhất nhóm G7]

Theo chuyên gia Paul Craig từ Quilter Investors, dù tăng trưởng kinh tế đang yếu dần nhưng BoE tuần này vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Dù nguy cơ suy thoái còn khá xa nhưng cũng đã manh nha và có thể ảnh hưởng tới toàn nước Anh khá sớm trước khi các dữ liệu suy thoái chính thức được ghi nhận.

Lạm phát thường niên tại Anh đang ở mức 9%, cao nhất trong 40 năm và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu người dân nước này. Lạm phát ngày càng tăng do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đều mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19 và do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo David Bharier, nhà nghiên cứu trưởng tại Phòng Thương mại Anh, các doanh nghiệp từ mọi lĩnh vực kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng chi phí tăng cao chưa từng thấy, từ chi phí nguyên liệu thô đến năng lượng và cả áp lực về tiền lương.

Trong khi đó tại Mỹ, dự báo lạm phát được công bố cuối tuần qua đã làm dấy lên những dự báo rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm từ ngày 10/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục