Kinh tế thế giới giảm tốc do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine

Theo Tổng Giám đốc IMF, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những rạn nứt trong hệ thống quốc tế vào thời điểm mà sự hợp tác toàn cầu được coi là giải pháp duy nhất.
Kinh tế thế giới giảm tốc do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine ảnh 1Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nêu rõ cuộc xung đột ở Ukraine đã làm giảm tốc độ phục hồi sau đại dịch COVID-19, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước trên thế giới.

Trong bài phát biểu ngày 14/4 trước thềm các hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bà Georgieva nêu rõ: "Nói một cách đơn giản, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trên tầm một cuộc khủng hoảng. Hậu quả kinh tế của cuộc xung đột này lan nhanh và rộng tới các nước láng giềng và xa hơn nữa, ảnh hưởng mạnh nhất tới những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới."

Bà cho biết các gia đình vốn đã chật vật với giá lương thực và năng lượng tăng cao hơn, cuộc xung đột này khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Theo Tổng Giám đốc IMF, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những rạn nứt trong hệ thống quốc tế vào thời điểm mà sự hợp tác toàn cầu được coi là giải pháp duy nhất.

Dự kiến, IMF sẽ công bố dự báo kinh tế cập nhật mới nhất vào ngày 19/4 mà trong đó tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tháng Một vừa qua, thể chế tài chính này đã hạ dự báo tăng trưởng xuống mức 4,4%.

[UNCTAD: Triển vọng của kinh tế thế giới xấu đi do xung đột ở Ukraine]

Cùng ngày, WB cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đã "làm tăng gấp nhiều lần rủi ro" cho các nước nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi vì làm giá lương thực và năng lượng tăng cao, tiềm ẩn gây ra bất ổn xã hội tại khu vực này.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về dự báo tăng trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi, WB cho biết áp lực lạm phát do đại dịch COVID-19 gây ra có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi Ferid Belhaj nói: "Mối đe dọa của các biến thể gây bệnh COVID-19 vẫn còn và cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng rủi ro lên nhiều lần, nhất là đối với những người nghèo."

Theo báo cáo, tỷ lệ lạm phát tại các nước Vùng Vịnh có trữ lượng dầu mỏ lớn có thể lên mức 3% trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1,2% năm 2021 và sẽ tăng lên tới 3,7% ở những nước nhập khẩu dầu so với mức 1,4% năm 2021.

Mặc dù vậy, WB dự báo rằng tăng trưởng kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ đạt 5,2% trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực này kể từ năm 2016.

Ukraine là nước sản xuất ngũ cốc chủ chốt trên thế giới, trong khi Nga là nước sản xuất năng lượng và phân bón cung cấp cho ngành nông nghiệp. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung lúa mỳ từ hai nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục