Lạm phát cao gây ra áp lực tiền lương tại các nước phát triển

Tại Anh và Mỹ, yêu cầu tăng lương để phù hợp với lạm phát ngày càng “nóng” hơn, trở thành vấn đề tâm điểm của các doanh nghiệp,à các nhà hoạch định chính sách, khi các nền kinh tế phục hồi kinh tế.
Lạm phát cao gây ra áp lực tiền lương tại các nước phát triển ảnh 1Kinh tế Mỹ ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Anh và Mỹ, yêu cầu tăng lương để phù hợp với tình hình lạm phát đang ngày càng “nóng” hơn, trở thành vấn đề tâm điểm của các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review (AFR), ba nhà báo là Martin Arnold - đại diện của AFR ở Frankfurt (Đức), Colby Smith - đại diện ở Washington (Mỹ) và Kana Inagaki - đại diện ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết do tình trạng thiếu hụt lao động, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ở hầu hết các quốc gia phát triển đã tăng cao.

Người lao động giờ đây thường xuyên phàn nàn về mức lương của họ so với mặt bằng giá cả chung. Một trong những công đoàn lớn nhất của Đức trong tháng này đã lên tiếng yêu cầu tăng 5,3% lương cơ bản, để phù hợp với mức tăng của lạm phát.

Một số người đã bày tỏ quan ngại về việc áp lực tiền lương ngày càng tăng có thể tạo ra một vòng xoáy lạm phát giống như những gì đã diễn ra vào những năm 1970, khi lãi suất được thiết lập ở mức cao và “hâm nóng” các thị trường chứng khoán. Tuần trước, Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương cần hết sức cảnh giác về hiện tượng tăng giá năng lượng và các chi phí khác, bởi chiều hướng này có khả năng gây ảnh hưởng tới tiền lương và giá sinh hoạt.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng tình hình hiện nay là yếu tố tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ xem xét lại mức tiền lương cơ bản, vốn đã bị trì trệ trong một thời gian dài và giúp tái cân bằng lại thu nhập cho người lao động sau nhiều năm giá tài sản liên tục tăng và lợi tức vốn cao.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người vừa nhậm chức trong tháng 10/2021, thậm chí đã hứa giảm thuế cho các công ty, nếu họ chấp nhận tăng lương cho nhân viên.

Chuyên gia Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính ING, cho biết: “Nguồn nhân lực đơn giản là đang trở nên đắt hơn một chút.” Tuy nhiên, cho đến nay, bằng chứng về việc tiền lương sẽ tăng vẫn chưa rõ ràng. Ngay cả ở những quốc gia đang chịu áp lực gia tăng, tiền lương có thể vẫn sẽ giữ nguyên hoặc ít nhất là chưa tăng, sau khi tính toán đến yếu tố lạm phát.

[Fed cho phép gia tăng lạm phát để tạo thêm nhiều việc làm]

Áp lực rõ ràng nhất là ở Mỹ. Chi tiêu của người tiêu dùng của nước này đã tăng mạnh. Lực lượng lao động hiện ở mức thấp hơn khoảng 4 triệu người, so với con số 165 triệu người vào thời điểm trước đại dịch và thu nhập trung bình tính theo giờ đang tăng ở mức 4,5% hàng năm.

Chuyên gia Alan Detmeister, nhà kinh tế học tại Ngân hàng UBS và là cựu nhân viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nói: “Các doanh nghiệp thiếu hụt lao động sẽ chịu áp lực tăng lương và nếu người lao động không quay trở lại, tiền lương sẽ tăng cao hơn.”

Tuy nhiên, tiền lương tăng tập trung chủ yếu ở các khu vực có mức lương trung bình thấp. Ví dụ, việc tập đoàn thương mại điện tử Amazon quyết định trả lương tối thiểu cho các nhân viên kho hàng ở mức 18 USD/giờ đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng khác cũng tăng lương khởi điểm.

Hơn nữa, tăng trưởng tiền lương chỉ vượt qua lạm phát giá tiêu dùng, hiện đang ở mức cao hơn 5% trong vòng hai tháng qua. Trong cả năm 2020, IMF cho biết tiền lương thực tế đã sụt giảm đáng kể. Tăng trưởng tiền lương của Mỹ cho đến nay vẫn “trong phạm vi bình thường.”

Tại Anh, áp lực về tiền lương cũng đang lớn dần. Ví dụ điển hình nhất có thể quan sát thấy là tình trạng thiếu hụt một lượng lớn tài xế lái xe tải trên toàn quốc, dẫn đến tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, lẫn hệ thống hậu cần của các đoàn làm phim.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) khuyến nghị tăng trưởng tiền lương trung bình nên ở mức cao hơn 4% so với giai đoạn đại dịch. Trong khi khảo sát của giới doanh nghiệp chỉ ra rằng nhiều nhà tuyển dụng đã quyết định tăng lương để thu hút nhân viên. Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ, lương tăng chủ yếu tập trung ở các khu vực được trả lương thấp, nhiều nhất là đối với lao động trong ngành hậu cần và dịch vụ trước dịp lễ Giáng Sinh, mùa mua sắm và tiêu dùng cao điểm nhất trong năm.

Ở những nơi khác trên thế giới, áp lực tiền lương vẫn còn khá thấp, ngay cả trong những lĩnh vực mà người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về việc thuê mướn nhân công.

Theo dữ liệu thời gian thực từ trang tìm kiếm việc làm Indeed của Australia, các vị trí tuyển dụng nhân viên ở nước này đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với Mỹ, Anh hay Canada. Tuy nhiên, vào tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA; Ngân hàng trung ương) đã kết luận rằng tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức vừa phải và tình trạng thiếu hụt lao động không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lương của các công ty.

Lạm phát cao gây ra áp lực tiền lương tại các nước phát triển ảnh 2Ngân hàng Dự trữ Australia. (Nguồn: Getty Images)

Tại Nhật Bản, tiền lương cũng đang chịu áp lực tăng, khi thị trường lao động ngày càng bị thắt chặt. Trong 30 năm gần đây, tiền lương của người lao động Nhật Bản gần như không đổi. Dữ liệu mới nhất của tháng 8/2021 cho thấy lương cơ bản tại nước này chỉ tăng 0,2% theo giá trị thực trong 12 tháng. Bất chấp cam kết thúc đẩy tăng tiền lương của tân Thủ tướng Kishida, các nhà phân tích cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi ở một quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm phát gần như vĩnh viễn.

Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), có rất ít dấu hiệu cho thấy lương sẽ tăng, thậm chí tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trở lại mức thấp nhất trước đại dịch và số người đăng ký vào các chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ đã giảm mạnh.

IG Bau, công đoàn của ngành xây dựng ở Đức, trong tháng này đã đề xuất mức tăng 5,3% lương tối thiểu cho 890,000 công nhân xây dựng. Tuy nhiên, sau đó IG Bau đã đồng ý thỏa thuận với mức tăng 3,3% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023.

Ông Dirk Schumacher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Âu tại Viện Natixis, cho biết “thỏa thuận vừa phải” này báo hiệu rằng công đoàn “không quan ngại về việc lạm phát sẽ vượt ra khỏi phạm vi thời hạn của thỏa thuận.”

Năm trong số các viện kinh tế hàng đầu của Đức đã đồng ý với quan điểm nói trên. Bất chấp tỷ lệ lạm phát của Đức hiện ở mức cao nhất trong vòng 29 năm, đạt 4,1% vào tháng 9/2021, các chuyên gia đều nhìn nhận lạm phát không gây ra sự bùng nổ về nhu cầu tiền lương. Tuần trước, một dự báo của các chuyên gia kinh tế cho biết, mức tăng chi phí lao động của Đức sẽ giảm từ 3,4% vào năm ngoái xuống 0,8% trong năm nay và bằng 0 vào năm 2023.

Mặc dù vậy, các ngân hàng trung ương của Mỹ và Anh vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Ông Andrew Bailey, Thống đốc BoE, nói rằng điều quan trọng là phải phân biệt giữa sự thay đổi một lần về giá cả và tiền lương, hay đây là xu hướng gia tăng liên tục. Tương tự, tại một cuộc họp gần đây, Fed đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhân viên có thể có "tác động kéo dài" đến giá cả và tiền lương.

Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có vẻ thoải mái hơn trong quan điểm của mình. Ông Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB, cho biết sự thay đổi một lần trong mức lương... không ngụ ý sự thay đổi xu hướng của lạm phát cơ bản.

Chuyên gia Brzeski của ING nhận định các nhà hoạch định chính sách của Eurozone thậm chí hoan nghênh hành động tăng lương, vì điều đó góp phần bù đắp cho thu nhập khả dụng, do chi phí sinh hoạt cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng giải thích thêm, việc tăng lương để phù hợp với lạm phát là “hoàn toàn không thực tế, ít nhất là không phải trong năm nay”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục