Làm rõ trách nhiệm về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

Đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, toàn diện, do đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này.
Làm rõ trách nhiệm về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Đại biểu Quốc hội cho rằng quy định chính sách nên áp dụng cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tiếp tục làm rõ các quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất.

Cần quy định riêng về chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp nhằm hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị quy định chính sách nên áp dụng cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp, đúng theo tinh thần Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh vấn đề hồ sơ pháp lý về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng do hầu hết chưa được đầy đủ do chưa nhận thức hết quyền lợi, trách nghiệm và không có tiền để chi trả các khoản phí, lệ phí. Điều này gây bất lợi và thiệt hại cho người dân khi bị thu hồi đất, bị lấn chiếm, chiếm dụng mua bán vì thiếu cơ sở pháp lý.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung mục quy định trong chính sách của Nhà nước bảo đảm ngân sách hỗ trợ miễn giảm tiền đo đạc, phí, lệ phí để hoàn thành hồ sơ pháp lý về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung tiêu chỉ tiêu đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giải quyết đất ở, đất sản xuất kinh doanh cho đồng bào dân tộc thiểu số và tương tự về quy hoạch đất cấp huyện để bảo đảm thống nhất.

[ĐBQH: Cơ sở xác định giá đất tiệm cận với thị trường vẫn còn mơ hồ]

Chỉ rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng vì nhiều yếu tố đặc thù, phương án tốt nhất là có một mục riêng về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định. Dự thảo Luật cần dành một chương riêng hoặc ít nhất là một mục riêng quy định về chính sách này. Việc Quốc hội quy định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vừa bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội.

Làm rõ trách nhiệm về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phân tích về dự thảo luật, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải góp phần bảo đảm để các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ gặp nhiều khó khăn có đất sản xuất đất ở như mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương đã đề ra. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật đối chiếu với Nghị quyết 18-NQ/TW và Hiến pháp 2013, trước yêu cầu thực tiễn, các quy định của dự thảo luật còn một số vấn đề.

Đại biểu Ngô Trung Thành chỉ rõ quy định của dự thảo luật chưa toàn diện, chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW. Dự thảo luật chỉ tập trung giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết18-NQ/TW đã đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ

Đại biểu Ngô Trung Thành dẫn chứng: “Thực tế thời gian qua cho thấy do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều, hiểu biết pháp luật và xã hội còn hạn chế hoặc do có khó khăn nên bị lợi dụng, bị thâu tóm đất đai dẫn đến không còn đất sản xuất, thiếu đất ở. Tuy nhiên, dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành nhưng lại lỏng hơn.” 

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, việc dự thảo luật quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định này của Hiến pháp, vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Nếu giao Thủ tướng Chính phủ quy định thì các chính sách không thể vượt khỏi trần các quy định hiện hành trong các văn bản luật khác sẽ dẫn đến chính sách không mới và không hiệu quả.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị chính sách đất đai phải được áp dụng đối với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất hoặc đất ở như mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW, chứ không chỉ giải quyết cho đồng bào thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, toàn diện. Do đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào, nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào đối với Nhà nước đối với đất đai được giao.

“Cần có quy định để đất đai được giao cho đồng bào theo chính sách hỗ trợ không bị và không thể bị thâu tóm. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng; cần quy định đặc thù riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong bồi thường và tái định cư thu hồi đất,” đại biểu Ngô Trung Thành đề xuất.

Làm rõ trách nhiệm về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đồng tình với ý kiến cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo đất cho người dân tộc thiểu số, đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng luật cần quy định theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Ngoài các chính sách hiện hành, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương vào sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất; trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích trước thuộc trashc nhiệm của các nông, lâm trường nay đã bàn giao về cho địa phương quản lý, vì nếu Nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp thì khó thực hiện.

"Ví dụ như diện tích đất đã thu hồi từ các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 112 của Quốc hội bàn giao về địa bàn địa phương quản lý và giao cho các hộ dân người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất,” đại biểu Nàng Xô Vi dẫn chứng.

Đại biểu Nàng Xô Vi chỉ ra rằng trong thời gian qua phần lớn diện tích này chưa thể sử dụng được vì thiếu vốn để đo vẽ bản đồ địa chính khai hoang do nguồn vốn thực hiện các công việc này là do ngân sách của cấp huyện đảm bảo. Trong khi đó, ngân sách của cấp huyện, của các tỉnh miền núi hiện nay rất là khó khăn, không có kinh phí để bố trí thực hiện các công việc trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục