Ngày 12/9, Liên hợp quốc công bố báo cáo cho thấy lần đầu tiên hơn 50% dân số toàn cầu được hưởng bảo trợ xã hội, song lưu ý chính phủ các nước vẫn cần hành động hơn nữa để giải quyết những thách thức, trong đó có giảm tác động của Biến đổi Khí hậu.
Trong báo cáo mới, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết 52,4% dân số toàn cầu hiện được hưởng bảo trợ xã hội, tăng gần 10 điểm phần trăm kể từ năm 2015 và là lần đầu tiên tỷ lệ này vượt 50%.
ILO đánh giá dù đây là tiến bộ đáng hoan nghênh, nhưng thực tế 3,8 tỷ người vẫn chưa được bảo trợ, nhấn mạnh hơn 75% trẻ em trên thế giới vẫn chưa được hưởng những lợi ích này.
ILO cảnh báo tốc độ để thu hẹp khoảng cách này quá chậm. Nếu tỷ lệ bảo trợ xã hội duy trì ở mức như hiện nay trên toàn cầu, thì đến năm 2073, tất cả mọi người trên thế giới mới được hưởng bảo trợ xã hội.
Tổng giám đốc ILO Gilbert Houngbo đặc biệt lo ngại tỷ lệ bảo trợ xã hội thấp tại nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do Biến đổi Khí hậu mà ông cho rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự công bằng xã hội hiện nay.
Theo ông Houngbo, nhiều quốc gia đang phải chịu những hậu quả tàn khốc nhất của cuộc khủng hoảng này, nhưng lại không được trang bị đầy đủ để giải quyết những hậu quả đối với môi trường và sinh kế của con người.
Báo cáo cho thấy tại 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do cuộc khủng hoảng khí hậu, toàn bộ 91,3% dân số (364 triệu người) chưa được hưởng bảo trợ xã hội dưới bất kỳ hình thức nào. Ở quy mô rộng lớn hơn, tại 50 quốc gia dễ bị tổn thương nhất, 75% dân số (2,1 tỷ người) không được bảo trợ xã hội.
ILO cho rằng điều này đáng lo ngại khi bảo trợ xã hội có tiềm năng giảm tác động của Biến đổi Khí hậu, giúp con người và xã hội thích ứng với thực tế mới có nhiều biến động về khí hậu và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững.
Tổ chức của Liên hợp quốc cũng cảnh báo có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ bảo trợ xã hội giữa các nước. Những nước có thu nhập cao đạt tỷ lệ gần 86% dân số, những nước có thu nhập trung bình cao đạt tỷ lệ 71,2% trong khi các nước có thu nhập trung bình thấp ở mức 32,4%. Tuy nhiên, tại các nước nghèo nhất thế giới, tỷ lệ này chỉ đạt 9,7%.
Trong khi các nước có thu nhập cao trung bình chi khoản ngân sách tương đương 16,2% Tổng sản phẩm quốc nội cho các biện pháp bảo trợ xã hội, các nước có thu nhập thấp, bao gồm cả những nước dễ bị tổn thương nhất do Biến đổi Khí hậu, chỉ chi 0,8%.
ILO cho biết những nước nghèo cần thêm 308,5 tỷ USD/năm để đảm bảo trợ giúp xã hội ít nhất ở mức cơ bản, đồng thời nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu này./.