Lực lượng vũ trụ - ưu tiên trong đạo luật chi tiêu quốc phòng của Mỹ

Tổng thống Trump nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia thì sự vững mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ.
Lực lượng vũ trụ - ưu tiên trong đạo luật chi tiêu quốc phòng của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Defense.gov)

Sáng 21/12 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA), trong đó bao gồm các điều khoản gây tranh cãi như kêu gọi trừng phạt nhằm vào Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và việc thành lập quân chủng mới - Lực lượng Vũ trụ Mỹ.

NDAA sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm 2020 thêm 2,8% lên 738 tỷ USD.

NDAA năm nay bao gồm việc thành lập Lực lượng Vũ trụ - quân chủng chính quy thứ sáu của quân đội Mỹ bên cạnh Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng Bảo vệ bờ biển. Đây là lần đầu tiên Mỹ có lực lượng quân sự mới trong khoảng 70 năm.

Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, thì sự vững mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ.

Lực lượng Vũ trụ sẽ bao gồm khoảng 16.000 thành viên là binh lính không quân và các nhân viên dân sự, hoạt động dưới sự điều phối của Không quân và do Tướng Jay Raymond chỉ huy.

Trong khi Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề chiến sự, thì Lực lượng Vũ trụ sẽ bao quát những nhiệm vụ rộng hơn như đào tạo, thu mua, vạch kế hoạch dài hạn và các chức năng khác.

[Tổng thống Trump đề cử tướng Raymond làm tư lệnh Bộ Chỉ huy Vũ trụ]

Bên cạnh đó, NDAA 2020 cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nước do bao gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" thông qua việc đóng băng tài sản, hủy bỏ thị thực của các nhà thầu liên quan.

Đạo luật mới cũng cấm việc sử dụng ngân sách để giảm số binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc xuống dưới 28.500 binh sỹ, trừ phi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chứng nhận rằng điều này là phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng phải xác nhận rằng việc giảm số binh sỹ sẽ không làm suy yếu an ninh của các nước đồng minh trong khu vực, và việc này phải có sự tham vấn với các nước đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Điều này sẽ hạn chế việc chính quyền Tổng thống Trump coi rút bớt quân là điều kiện mặc cả trong các cuộc đàm phán hiện nay với Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quốc phòng cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, NDAA cũng kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với các ngân hàng và công ty nước ngoài tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp với Triều Tiên.

NDAA là một trong số ít dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua mỗi năm và trở thành công cụ thực hiện loạt chính sách quốc phòng, từ tiền lương đến các thỏa thuận mua bán, hiện đại hóa tàu chiến hoặc máy bay chiến đấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục