Malaysia đối diện với một cuộc khủng hoảng chính trị mới

Malaysia rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới sau khi đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền tuyên bố rút lại sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Muhyiddin Yassin và giục ông nhường chỗ cho lãnh đạo mới.
Malaysia đối diện với một cuộc khủng hoảng chính trị mới ảnh 1Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng AP, Malaysia đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới sau khi đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền tuyên bố rút lại sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Muhyiddin Yassin vào ngày 8/7 và thúc giục ông nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo mới.

Thông báo này có khả năng sẽ khiến chính phủ không qua bầu cử của Thủ tướng Muhyiddin sụp đổ và dẫn tới các cuộc bầu cử mới, mặc dù các cuộc bầu cử này khó có thể được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành.

Ông Muhyiddin lên nắm quyền vào tháng 3/2020 sau khi khiến chính phủ cải cách trước đây, từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, bị sụp đổ.

Đảng Bersatu của ông đã cùng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO)- lực lượng chính trị đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018- và các đảng phái khác thành lập chính phủ mới, nhưng liên minh này không ổn định do chỉ chiếm đa số rất sít sao trong Quốc hội.

Sáng 8/7, Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi cho biết chính phủ của ông Muhyiddin đã thất bại trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Ông cho rằng các chính sách không nhất quán và các biện pháp phong tỏa nửa vời đã khiến nền kinh tế Malaysia thêm khó khăn.

Ông Zahid kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin từ chức và nhường chỗ cho một nhà lãnh đạo lâm thời lên nắm quyền cho đến khi đại dịch lắng dịu và có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử an toàn.

[Dấu ấn năm cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin]

Sau cuộc họp của cơ quan ra quyết sách hàng đầu của đảng UMNO, ông Zahid nói: "Đây là điều quan trọng để thành lập một chính phủ thực sự ổn định và có sự ủy quyền của đa số nhân dân."

Tuy nhiên, Tổng chưởng lý Idrus Harun của Malaysia hôm 8/7 cho biết Thủ tướng Muhyiddin sẽ vẫn nắm quyền cho đến khi Quốc hội cho thấy ông Muhyiddin đã mất sự ủng hộ của đa số.

Ông Idrus nói rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Thủ tướng Muhyiddin đã mất sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội và điều này chỉ có thể được quyết định bởi các nghị sỹ ở Hạ viện chứ không dựa trên tuyên bố của một chính đảng nào. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng chưởng lý Idrus nói: "Do đó, về mặt pháp lý, Thủ tướng và nội các của ông vẫn sẽ nắm quyền và thực hiện các quyền hành pháp liên bang."

Trong khi đó, liên minh của Anwar Ibrahim cáo buộc Tổng chưởng lý Idrus đang lợi dụng tình hình vì lợi ích của bản thân. Liên minh này ủng hộ tuyên bố của ông Zahid, nói rằng Thủ tướng Muhyiddin đã được Nhà vua bổ nhiệm vào năm ngoái dựa trên sự ủng hộ của các lãnh đạo đảng chứ không phải của cá nhân các nhà lập pháp.

Phe đối lập cho rằng Thủ tướng Muhyiddin phải từ chức vì ông đã mất đi sự ủng hộ và tính hợp pháp để tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Quyết định của UMNO được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Muhyiddin bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri, người của UMNO, làm cấp phó của mình nhằm thuyết phục UMNO ở lại liên minh cầm quyền.

Căng thẳng trong liên minh cầm quyền đã gia tăng trong nhiều tháng qua do UMNO không hài lòng khi phải "đóng vai phụ" sau đảng Bersatu. Văn phòng của Thủ tướng Muhyiddin cũng cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein sẽ đảm nhận vị trí một trong bốn bộ trưởng cấp cao của ông Ismail.

Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Muhyiddin đã chia rẽ UMNO bằng cách bổ nhiệm các lãnh đạo cấp hai của đảng này vào nội các của mình và củng cố nội các bằng việc bổ nhiệm các vị trí mới.

Truyền thông địa phương đưa tin ông Ismail đi đầu trong việc phản đối kế hoạch của ông Zahid về rút khỏi liên minh cầm quyền tại cuộc họp của UMNO, tuy nhiên ông chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào.

UMNO có 38 nhà lập pháp nhưng chỉ có 15 người là thành viên của cơ quan ra quyết sách hàng đầu của đảng UNMO, vì vậy không chắc liệu tất cả họ- đặc biệt là những người trong nội các- có tuân thủ theo đường lối của đảng hay không.

Bridget Welsh, làm việc tại Đại học Nottingham của Malaysia và là một chuyên gia về chính trị Đông Nam Á, cho biết: "Các thỏa thuận chính trị đã kéo dài được 17 tháng và mọi thứ bây giờ đã bắt đầu trở nên khó khăn. Một cuộc chiến công khai đang diễn ra trong UMNO và chúng ta có một chính phủ yếu kém đang cố gắng bám trụ quyền lực."

Không liên minh nào có một đa số rõ ràng trong Quốc hội. Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim có thể sẽ cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ nhưng ông Zahid cho biết UMNO sẽ không ủng hộ ông Anwar ứng cử thủ tướng.

Đầu năm nay, UMNO đã tuyên bố đảng này sẽ không hợp tác với liên minh của Thủ tướng Muhyiddin trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nỗ lực tổ chức các cuộc bầu cử sớm của đảng này đã gặp trở ngại vì đại dịch COVID-19 ngày càng trở nên tồi tệ và Malaysia phải tiến hành phong tỏa toàn quốc lần thứ hai kể từ ngày 1/6.

Chủ tịch UMNO lưu ý rằng số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đã tăng gấp đôi, lên 5.768 người, kể từ khi đất nước bắt đầu phong tỏa. Tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận ở Malaysia hiện là gần 800.000 ca, và trong hai ngày 7-8/7, số ca mắc mới trong ngày lên tới 7.000 ca.

Ông nói rằng Thủ tướng Muhyiddin đã lạm dụng việc ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19, được đưa ra từ hồi tháng 1, vì lợi ích chính trị của mình.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấm khiến Quốc hội bị đình chỉ hoạt động, điều đó có nghĩa là sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo của ông Muhyiddin không thể kiểm chứng được.

Thủ tướng Muhyiddin đã đồng ý để Quốc hội tiếp tục hoạt động từ ngày 26/7, trước khi lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ hết hạn vào ngày 1/8, sau khi sức ép ngày càng gia tăng, bao gồm cả từ Nhà vua Malaysia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục