VN đạt những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục trong 20 năm qua. Tuy vậy, sự chênh lệch và bất bình đẳng liên quan đến vấn đề này vẫn còn tồn tại.
VN đạt những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Việc mang thai ngoài kế hoạch là một phần của cuộc khủng hoảng vô hình đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch” được công bố sáng 5/5 tại Hà Nội.

Phổ cập các biện pháp tránh thai an toàn

Theo đánh giá của UNFPA, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục trong 20 năm qua. Tuy vậy, sự chênh lệch và bất bình đẳng liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng dân cư khác nhau, bao gồm đồng bào dân tộc ít người, lao động nhập cư, thanh thiếu niên và những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

[Ứng dụng giúp phụ nữ Việt Nam có thể làm chủ sức khỏe sinh sản]

Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia tại Việt Nam đã giảm xuống còn 46 ca tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống, nhưng ở các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ này vẫn còn cao hơn con số đó tới 2-3 lần. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở các bà mẹ dân tộc H'Mông cao hơn 7 lần so với các bà mẹ dân tộc Kinh. Ở những khu vực này, rất nhiều bà mẹ tử vong do việc mang thai và sinh con tại nhà. Thậm chí nhiều bà mẹ sinh con mà không có sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng.

Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ có 72% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% ở những phụ nữ chưa kết hôn. Những đối tượng có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ước tính cao hơn 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình.

Liên quan đến khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng trung bình có 84% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, chỉ có 42% người dân tộc H'Mông và 61% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25% trẻ vị thành niên và 54% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 20-24 có thể tự ra quyết định.

“Đây là một nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài kế hoạch đồng thời là một phần của cuộc khủng hoảng vô hình đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam,” bà Kitahara phân tích. 

VN đạt những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản ảnh 2Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính vì vậy, UNFPA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập tới các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả và đảm bảo rằng mọi thanh thiếu niên (bao gồm cả trẻ em trai) đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch. Mọi tổ chức cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực....

1,9 triệu USD giúp xây dựng dữ liệu về dân số

Tại buổi lễ, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê tổ chức khởi động dự án mới nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Với tổng kinh phí 1,9 triệu USD, thực hiện trong 5 năm (2022-2026), dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu và đảm bảo các chính sách, chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.

Video về Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2022:

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ trong gần 45 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA, năng lực của Tổng cục Thống kê trong việc xây dựng và quản lý dữ liệu và số liệu thống kê đã được cải thiện đáng kể. Tổng cục cam kết sẽ sẽ tận dụng tốt các nguồn lực của dự án để cung cấp các dữ liệu kịp thời, có chất lượng cao, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia.

Bà Naomi Kitahara cho hay những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế-xã hội ấn tượng.

Dự án mới sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và sức khỏe sinh sản, tình dục nhằm đạt được đầy đủ các tiềm năng “lợi tức nhân khẩu học,” nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu cho vận động và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Ngoài ra, dự án sẽ giúp cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho sức khỏe sinh sản và tình dục, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho sức khỏe sinh sản và tình dục.../.

Theo Báo cáo “Tình trạng Dân số Thế giới,” gần 1/2 số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới (tương đương 121 triệu ca) là ngoài kế hoạch. Đối với phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng, họ không có lựa chọn trong việc có mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản có tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ.

Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân quyền này gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn. Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5-13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục