Mở phiên tòa xét xử vụ buôn lậu hơn 10 tấn rùa biển ở Nha Trang

Ngày 18/12 tới, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên tòa xét xử đối tượng Hoàng Tuấn Hải trong vụ buôn bán 10 tấn rùa biển, bị bắt giữ vào cuối năm 2014.
Mở phiên tòa xét xử vụ buôn lậu hơn 10 tấn rùa biển ở Nha Trang ảnh 1Hàng trăm cá thể rùa biển được lưu giữ tại thành phố Nha Trang. (Ảnh: ENV)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa cho biết, ngày 18/12 tới, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên tòa xét xử đối tượng Hoàng Tuấn Hải trong vụ buôn bán 10 tấn rùa biển, bị bắt giữ vào cuối năm 2014.

Đây là vụ án gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, bởi số lượng rùa biển bị thu giữ lên tới hơn 7.000 cá thể, lớn nhất từ trước tới nay.

Tại thời điểm bắt giữ, cơ quan chức năng xác định hai đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển này là hai anh em Hoàng Mạnh Cường và Hoàng Tuấn Hải, từ lâu đã được đặt trong “tầm ngắm” của lực lượng Công an.

Cơ sở chế biến rùa biển của Hoàng Mạnh Cường được đặt ngay tại thành phố Nha Trang. Sau khi được chuyển về đây, rùa biển được lọc thịt lấy mai, ngâm tẩm hóa chất và chế tác thành đồ mỹ nghệ bán sang tiêu thụ tại Trung Quốc.

Chỉ nhìn vào 7.000 cá thể rùa biển được khám phá trong vụ bắt giữ vừa qua cũng có thể thấy chắc chắn hàng chục ngàn cá thể rùa biển đã bị săn bắt, bán cho cơ sở chế biến của các đối tượng đầu nậu trong những năm qua. Do đó, thành công của vụ bắt giữ tại Khánh Hòa là một bước tiến lớn trong nỗ lực triệt phá đường dây mua bán rùa biển trái phép lớn nhất Việt Nam.

[Nói không với trứng vích, bảo vệ "Thiên đường rùa biển" Côn Đảo]

Mở phiên tòa xét xử vụ buôn lậu hơn 10 tấn rùa biển ở Nha Trang ảnh 2Rùa biển bị sát hại để làm đồ thủ công mỹ nghệ.(Ảnh: ENV)

Từ góc độ đơn vị vận động chính sách, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc - Quản lý chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV nhấn mạnh, đây là một vụ việc thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế. Do đó, nó là một cơ hội lớn để Việt Nam chứng minh cho cả thế giới quyết tâm cao của quốc gia trong nỗ lực bảo vệ rùa biển và xử lý các đường dây tội phạm nghiêm trọng về động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm.

Theo ENV, đối với vụ việc tại Khánh Hòa, việc truy tố và xét xử không nên chỉ dừng lại ở đối tượng Hoàng Tuấn Hải - người đứng ra tự nhận trách nhiệm đối với số rùa biển được phát hiện. Các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò và xử lý nghiêm khắc đối tượng Hoàng Mạnh Cường, người được cho là kẻ cầm đầu thực sự của đường dây này.

Theo Luật sư Trần Thị Ngân, Giám đốc Công ty luật Legal Associates Hà Nội, vi phạm được phát hiện tại Khánh Hòa không phải là một vụ việc phức tạp. Các chứng cứ thu thập được đều phù hợp với lời khai của Hải (anh trai của Cường) và khẳng định hành vi buôn bán rùa biển của các đối tượng.

Kết quả giám định cũng cho thấy số rùa biển thu giữ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160.

Vụ án này được đưa ra xét xử sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như định hướng dư luận, hỗ trợ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về rùa biển, một loài cũng được bảo vệ ở cấp độ cao nhất ngang hàng với hổ, gấu, tê giác, têtê... theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được sự bảo vệ xứng đáng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục