Mối nguy hiểm thực sự cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á

Tác động kinh tế dài hạn đối với nền kinh tế đang phát triển ở châu Á phụ thuộc vào thời điểm kết thúc "đóng băng" nền kinh tế và tốc độ "tan băng."
Mối nguy hiểm thực sự cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á ảnh 1Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhà kinh tế học cấp cao David Dapice thuộc trường Đại học Harvard Kennedy vừa có bài viết phân tích về tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với các quốc gia đang phát triển ở châu Á, đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á.

Tại Triển vọng kinh tế thế giới tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 nằm ở mức -3%, và sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2021.

Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn thế.

Bất kỳ dự đoán kinh tế nào đều phụ thuộc vào mức độ lây lan của dịch bệnh, các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội có hiệu quả ra sao, và liệu các phương pháp điều trị, miễn dịch cộng đồng hay vắcxin có làm giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh hay không.

Thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn đầu trong việc xác định các biến số này. Có nhiều hy vọng về khả năng tìm ra phương pháp điều trị và vắcxin phòng bệnh ngay trong năm nay và điều đó sẽ giúp hạn chế khoảng thời gian đóng cửa của các nền kinh tế.

[IMF: Kinh tế châu Á có thể tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm]

Tác động tại châu Á phụ thuộc vào thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp kiểm soát. Trung Quốc và Việt Nam đang dần nới lỏng, trong khi Singapore lại đang thắt chặt.

Indonesia vẫn duy trì cách ly. Malaysia, Thái Lan và có lẽ là cả Philippines và Ấn Độ có khả năng sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát trong nửa cuối tháng Năm.

Phản ứng kinh tế ở các quốc gia giàu có được triển khai lớn đến kinh ngạc. Mỹ đã đưa thêm hàng nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán thâm hụt tài khóa năm 2020 là 3.700 tỷ USD, gần bằng 1/5 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đều đang trong tình trạng quá tải, bơm vào thị trường hàng nghìn tỷ USD, euro và yen, thông qua hoạt động mua nợ và cho vay ngân hàng.

Fed đang tiến xa hơn trong việc áp dụng nới lỏng định lượng, đã được thực hiện cách đây một thập kỷ, thậm chí mua vào trái phiếu rủi ro cao để ổn định thị trường.

Vậy những biện pháp này có được áp dụng tại các quốc gia đang phát triển tại châu Á và trong tiến trình quản lý kinh tế?

Nhìn chung, các quốc gia đang phát triển không có thị trường trái phiếu chuyên sâu và thanh khoản cao như các nước phát triển.

Các quốc gia đang phát triển thường phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, đặc biệt nếu trái phiếu được phát hành vượt quá khả năng của người mua trái phiếu địa phương để có thể hấp thụ được các khoản nợ mới.

Điều này tạo ra một vấn đề nan giải, do khả năng sử dụng quyền tự in tiền tạo ra mối lo ngại rằng giá trị đồng nội tệ bị yếu đi và làm cho việc trả nợ sẽ càng khó khăn hơn.

Tại các quốc gia phụ thuộc thương mại, chính sách này cũng có thể thúc đẩy lạm phát đáng kể.

Điểm mấu chốt là các quốc gia đang phát triển châu Á chỉ có không gian tài khóa hạn chế để đáp ứng các trường hợp khẩn cấp như đại dịch.

Trung Quốc có thể chi tiêu nhiều hơn, nhưng dường như nước này đã miễn cưỡng buộc phải sở hữu các khoản vay lớn và thâm hụt chi tiêu trong giai đoạn hiện tại, không giống như một thập kỷ trước.

Một vài quốc gia có tài khóa khá tốt với mức thâm hụt và nợ thấp hơn so với thu nhập vào giai đoạn trước khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

Mối nguy hiểm thực sự cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á ảnh 2Nhân viên giao đồ ăn tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 19/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Singapore, Malaysia và Indonesia ở vị trí tương đối mạnh, trong khi Thái Lan và Ấn Độ có tỷ lệ thâm hụt trên GDP trong khoảng 6-8%.

Tuy nhiên, nếu thu nhập danh nghĩa đang tăng nhanh, như đã từng xuất hiện ở Ấn Độ, thì tỷ lệ nợ trên GDP đang giảm xuống. Nếu sản lượng sụt giảm nhanh chóng và thâm hụt gia tăng, thì nó sẽ gây đảo ngược quá trình này.

Nỗi sợ hãi kết hợp giữa thị trường trái phiếu và một không gian tài khóa giới hạn đang ngăn cản hầu hết các quốc gia châu Á tăng chi tiêu.

Một xem xét bổ sung khác là sự phụ thuộc của một vài quốc gia, như Philippines, đối với các khoản kiều hối từ người lao động ở nước ngoài. Dòng chảy kiều hối có khả năng giảm đáng kể, tăng áp lực cho nhiều hộ gia đình và tính khả dụng của ngoại hối.

Sự kết hợp trong việc giảm kiều hối và các công việc không chính thức trong giai đoạn đóng cửa nền kinh tế sẽ làm tăng nghèo đói và khó khăn.

Tác động kinh tế dài hạn phụ thuộc vào thời điểm kết thúc "đóng băng" nền kinh tế và tốc độ "tan băng."

Các trường học và cửa hàng có thể được mở cửa trở lại khi bảo đảm được khoảng cách an toàn và nhiều người sử dụng khẩu trang. Nhưng để các nhà máy hoạt động bình thường như cũ sẽ đòi hỏi có sự tổ chức lại quy trình hoạt động và khoảng cách an toàn.

Du lịch có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Việc đi lại sẽ trở nên phức tạp hơn và các văn phòng có thể thử nghiệm cách sắp xếp công việc khác nhau.

Mọi người có thể không chi tiêu tự do như trước đây, làm giảm cầu về hàng hóa. Sẽ có một khoản nợ xấu tư nhân khổng lồ khi một số công ty bị phá sản. Có lẽ, các chính phủ sẽ bảo lãnh cho các công ty được đánh giá là cần thiết, hoặc xóa nợ cho những công ty không còn khả năng sống sót.

Tuy nhiên, điều này không chắc chắn áp dụng với các ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên, trước đây các ngân hàng nhà nước tại châu Á đã từng hành động như vậy, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Sẽ có các khoản vay khẩn cấp từ IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức khác. Mặc dù vậy, chúng sẽ không đủ để cho phép các quốc gia đang phát triển đáp ứng được như những gì các nước giàu có đã thực hiện.

Hầu hết người lao động tại các quốc gia đang phát triển nằm trong khu vực tự doanh hoặc phi chính thức, vốn có mức độ ưu tiên chính trị để giải cứu thấp hơn so với khu vực chính thức.

Có thể sẽ có các khoản cho vay hỗ trợ, trợ cấp tiền mặt hoặc chương trình "cứu nạn" thực phẩm để làm dịu những mất mát.

Mặc khác, các quốc gia đang phát triển có cấu trúc tuổi thọ thấp hơn so với các quốc gia giàu có và đại dịch dường như nguy hiểm nhất đối với người cao tuổi.

Điều này cho phép các quốc gia đang phát triển có thể cách ly ít người cao tuổi hơn và cho phép nhiều người trẻ tuổi có thể trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn.

Trong khi đó, thời gian kéo dài của mức lãi suất cực thấp, thậm chí là cả lãi suất âm, đối với trái phiếu an toàn vẫn sẽ được tiếp tục để thúc đẩy một "cơn khát" tài sản có tỷ suất lợi nhuận cao, rất nhiều trong số đó sẽ được phát hành bởi các quốc gia đang phát triển.

"Cơn lũ" thanh khoản sẽ chảy vào các thị trường nợ mới nổi, gây áp lực lên các quốc gia đã quản lý được dịch bệnh và nền kinh tế đáp ứng tốt.

Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là một trở ngại lớn nhưng không phải là một "cú đánh" vĩnh viễn, trừ khi sự sẵn sàng của các quốc gia đối với việc mở cửa các luồng hàng hóa và con người bị sụt giảm, đó mới là mối nguy hiểm thực sự cho cả châu Á và các quốc gia đang phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục