Luật Bảo hiểm xã hội quy định việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Hơn một năm thực hiện trả sổ, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện ra tình trạng nhiều người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi… “cắm”.
[Trả lại khoảng 9,1 triệu sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động]
Cầm cố cả sổ bảo hiểm xã hội
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 6/2 tại Hà Nội, ông Chu Minh Tộ, trưởng Ban Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, thời gian gần đây, tại cơ quan bảo hiểm xã hội một số địa phương như: Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới.
“Việc cầm số sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có người tham gia bảo hiểm xã hội,” ông Chu Minh Tộ nói.
Thừa nhận có xảy ra thực trạng người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đời sống người lao động còn nhiều khó khăn nên muốn nhận tiền ngay.
“Không chỉ cầm cố sổ bảo thậm chí, một số địa phương còn xảy ra tình trạng người lao động bán trợ cấp một lần sau khi thôi việc bằng cách ủy quyền nhận trợ cấp một lần," ông Lê Đình Quảng cảnh báo.
Việc tình trạng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội chủ yếu xảy ra ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp với số lượng lớn công nhân lao động và chưa có thống kê cụ thể về số vụ việc. Theo đánh giá ban đầu, người lao động chủ yếu cầm cố sổ bảo hiểm xã hội khi cần xoay sở ngay một số tiền trang trải lúc khó khăn.
Theo ông Chu Minh Tộ, người lao động “cắm” sổ bảo hiểm xã hội chủ yếu là do thiếu hiểu biết và muốn có khoản tiền tức thì ngay lúc khó khăn chứ không phải là do người lao động muốn lừa đảo. Mặc dù tình trạng này chưa xảy ra với số lượng lớn nhưng cần sớm được ngăn chặn.
Rủi ro khi “cắm” sổ bảo hiểm xã hội
Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ bảo hiểm xã hội và người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định.
“Về mặt pháp luật, sổ bảo hiểm xã hội không được cầm cố nhưng đây là hiện tượng tự phát… Nếu phát hiện người lao động cầm số sổ bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không cấp lại đối với trường hợp này,” ông Chu Minh Tộ khẳng định.
Đặc biệt, người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 -1.000.000 đồng.
Đối với những cá nhân, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, ông Chu Minh Tộ cũng cảnh báo tình trạng rủi ro cao vì pháp luật không cho phép ủy quyền dùng sổ bảo hiểm xã hội để lĩnh hộ lương hưu hay lĩnh bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Chu Minh Tộ nêu rõ: "Theo quy định, khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đảm bảo không giải quyết hưởng trùng. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ một lần, không thể giải quyết trùng lần nữa.”
Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ yêu cầu tất cả các tỉnh thành rà soát và báo cáo về tình trạng này để kịp thời có phương án tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu hơn về các chính sách, chế độ bảo hiểm và những hệ lụy từ việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội./.